Phát triển bền vững kinh tế biển

Tran Huy
Thực hiện chủ trương của Trung ương về chiến lược biển Việt Nam, trong đó có Nghị quyết số 36-NQ/TW (ngày 22/10/2018) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thời gian qua, kinh tế biển Phú Yên có bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế sẵn có, sự phát triển chưa xứng tầm, còn nhiều hạn chế.
Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách mỗi năm.
Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách mỗi năm.

Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đang có nhiều giải pháp và quyết tâm thực hiện để đưa kinh tế biển giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tăng nguồn thu ngân sách, lan tỏa, quảng bá mảnh đất và con người Phú Yên.

Kinh tế biển chuyển mình

Phú Yên có đường bờ biển hơn 189 km, trải dài qua 4 huyện, thị xã, thành phố (thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa), có dải đất liền ven biển thuận lợi để phát triển những khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển…

Đặc biệt, ven biển Phú Yên có nhiều di tích, danh thắng về biển, đảo rất độc đáo như vịnh Xuân Đài, gành Đá Đĩa, vịnh Vũng Rô-mũi Đại Lãnh… và các lễ hội truyền thống đặc sắc của ngư dân, tạo nên nét văn hóa riêng có, rất thuận lợi cho phát triển du lịch biển, kinh tế biển.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ cho biết, để phát triển bền vững, thời gian qua tỉnh tập trung công tác quy hoạch xây dựng vùng biển và ven biển. Phú Yên đã thực hiện được một số khâu đột phá, đó là hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển bền vững kinh tế biển.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành hơn 10 quyết định, kế hoạch triển khai thực hiện nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh, trong đó hướng đến phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh các ngành kinh tế biển, vùng ven biển của tỉnh trên tiềm năng, lợi thế; phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ mạng lưới giao thông, kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Theo đồng chí Lê Tấn Hổ, trong điều kiện còn khó khăn về nguồn vốn, nhưng xác định vai trò quan trọng của kinh tế biển, hằng năm, Phú Yên ưu tiên bố trí hàng nghìn tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng. Nổi bật là hạ tầng giao thông kết nối các vùng được hoàn thiện và có sự phát triển khá đồng bộ.

Đến nay, ở khu vực ven biển Phú Yên, hệ thống giao thông đã thông kết nối đầy đủ cả đường bộ, đường không, đường sắt và đường thủy. Trong đó, mạng lưới giao thông đường bộ được trải đều khắp các địa bàn với 2 trục chính là Quốc lộ 1A chạy theo trục bắc nam, gắn kết Phú Yên với trục phát triển kinh tế Nam Trung Bộ qua Bình Định, Khánh Hòa.

Việc thông hầm đường bộ Đèo Cả và hầm đèo Cù Mông đã khắc phục hạn chế về sự giao thương của tỉnh đối với trục kinh tế này trong thời gian qua.

Ngoài ra, các tuyến Quốc lộ 25, 29 và 19C đã mở ra hành lang kinh tế đông-tây, gắn kết Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên; kết hợp với sự phát triển của các cảng biển, như: cảng Vũng Rô và cảng nước sâu Bãi Gốc đang kêu gọi đầu tư sẽ mở ra cơ hội để Phú Yên trở thành cửa ngõ phía đông ra thế giới.

Bên cạnh đó, hàng không ngày càng phát triển, số lượng khách và chuyến bay đến và đi ở Cảng hàng không Tuy Hòa ngày càng tăng.

Công nghiệp ven biển tỉnh Phú Yên đã hình thành 5 khu công nghiệp tập trung ven biển với tổng diện tích hơn 460 ha, tỷ lệ đăng ký đầu tư lấp đầy khoảng 77%.

Khu kinh tế Nam Phú Yên có diện tích hơn 20.700 ha-là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước vừa được Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

Đến nay, tại Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút được 118 dự án đầu tư (trong đó có 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với diện tích đất đăng ký là 454 ha, vốn đầu tư đăng ký 10.199,92 tỷ đồng và 35,78 triệu USD…

Chìa khóa vàng để phát triển

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên nhấn mạnh, để có được kết quả nêu trên, thời gian qua Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, các chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 26/3/2019 về thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, theo đó phấn đấu đưa Phú Yên thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển; Chương trình hành động số 09-CTr/TU, ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030; Chương trình hành động số 10-CTr/TU, ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Điều kiện thuận lợi để Phú Yên phát triển mạnh mẽ kinh tế biển trong thời gian tới là, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tỉnh vừa tổ chức công bố ngày 3/3…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương, Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh vừa tổ chức công bố là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là chìa khóa, là cây cầu để kết nối giữa ước mơ, những điều kiện của hiện tại và việc hiện thực hóa khát vọng vươn lên của địa phương.

Theo quy hoạch này, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột: Công nghiệp (luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng,...); du lịch-dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics.

Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp từ khoảng 8-10% GRDP của tỉnh; kinh tế của 4 địa phương ven biển gồm thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa đóng góp hơn 70% GRDP cả tỉnh. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững, từng bước đạt đến các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển...

Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước, phấn đấu từ năm 2035 tỉnh Phú Yên tự cân đối được ngân sách nhà nước; là một trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung Bộ; có hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững, bản sắc, trong đó những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng và cả nước…

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, để thực hiện mục tiêu nêu trên, Phú Yên tập trung các giải pháp: tiếp tục hoàn thiện chính sách, cụ thể hóa từng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, phân công cụ thể cho từng ngành, bố trí nguồn kinh phí cho từng nhiệm vụ để thực hiện; quản lý và thực hiện chặt chẽ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; thống nhất quy hoạch các địa phương ven biển, quy hoạch khu dân cư, đô thị, khu kinh tế, khu dịch vụ ven biển; sớm hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu biển, hải đảo làm cơ sở xây dựng Kế hoạch sử dụng không gian biển của tỉnh…

Từng bước đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Đầu tư công nghệ, kỹ thuật hiện đại để nuôi trồng thủy sản xa bờ; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trong khâu chế biến, bảo quản và xuất khẩu thủy sản, tạo động lực phát triển ngành thủy sản của tỉnh theo hướng tiềm năng, phát huy lợi thế.

Tiếp cận, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại của các quốc gia trong khu vực và thế giới để chuyển đổi mô hình kinh tế biển, phát triển kinh tế biển; đẩy mạnh đầu tư, khai thác giao thông biển đặc biệt là phát triển cảng biển Vũng Rô, cảng biển Bãi Gốc thành cảng biển nước sâu, cảng biển tổng hợp nhằm tăng cường vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và trong khu vực.

Đầu tư, khai thác hiệu quả cảnh quan tự nhiên như vũng, vịnh bãi biển, đảo, cụm đảo để phát triển đa dạng loại hình dịch vụ du lịch…

Hiện đại hóa và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư, khu kinh tế, giao thông, cảng biển, cảnh quan vùng ven biển, nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động cho các ngành kinh tế trong khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên biển nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên, phấn đấu trở thành vùng kinh tế động lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển liên tỉnh và liên vùng nam Phú Yên-bắc Khánh Hòa và cũng là một trong tám khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước.

BÀI VÀ ẢNH: TRÌNH KẾ