Sớm triển khai học bạ số liên thông các cấp học, sử dụng thay thế học bạ giấy

Nguyễn Ánh Hiền
Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm ở các cấp học còn lại. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, học bạ số được triển khai theo mô hình kỹ thuật thống nhất, liên thông trong bậc học phổ thông, bảo đảm về nội dung, giá trị pháp lý theo quy định pháp luật liên quan để thay thế học bạ giấy trong quản lý, sử dụng.
Học sinh THCS. (Ảnh minh hoạ: NHẬT QUANG)
Học sinh THCS. (Ảnh minh hoạ: NHẬT QUANG)

Gần 5 triệu học bạ cấp tiểu học trên Kho học bạ số

Thực hiện thí điểm học bạ số cấp tiểu học, thời gian qua, nhiều địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Ban chỉ đạo thí điểm học bạ số, ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp các cơ quan, tổ chức có khả năng cung ứng dịch vụ hạ tầng đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật để sẵn sàng thực hiện học bạ số.

Báo cáo đánh giá kết quả thí điểm học bạ số cấp tiểu học thời gian vừa qua, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Tài cho biết: 63/63 địa phương đã phối hợp các nhà cung cấp cổng học bạ số, có các địa chỉ kết nối dữ liệu, phân công cán bộ làm đầu mối liên hệ, thường trực xử lý về các vấn đề liên quan đến học bạ số tại địa phương. Một số nhà cung cấp dịch vụ đã sẵn sàng trong việc triển khai quản lý học bạ số cho các địa phương. Đến nay, quá trình thí điểm học bạ số đã bảo đảm mục tiêu theo kế hoạch, làm cơ sở để tiến tới hoàn thiện quy trình quản lý, sử dụng học bạ số làm cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên toàn quốc.

Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn chuẩn đặc tả kỹ thuật về học bạ số, chuẩn kết nối dữ liệu và cơ sở dữ liệu lưu trữ học bạ số; chuẩn bị xong về hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai thí điểm học bạ số, tiếp nhận dữ liệu học bạ thí điểm từ các địa phương.

Tính tới hết ngày 27/12, 100% các Sở Giáo dục và Đào tạo đã đăng ký và được cấp tài khoản kết nối, báo cáo học bạ số (thí điểm) về Kho học bạ số Bộ Giáo dục và Đào tạo (hệ thống thử nghiệm). Tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo đã đăng ký và được duyệt chứng thư số dùng để gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có 63/63 Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm 4.938.675 học bạ số cấp tiểu học, chiếm tỷ lệ 69,6% (trong tổng số 7.093.352 học bạ cấp tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4 trong năm học 2023-2024).

Triển khai liên thông học bạ số, thay thế học bạ giấy

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ thực hiện triển khai học bạ số diện rộng đối với cấp tiểu học, theo mô hình kỹ thuật thống nhất, liên thông trong bậc học phổ thông (tiểu học, THCS, THPT) bảo đảm về nội dung, giá trị pháp lý theo quy định pháp luật liên quan để thay thế học bạ giấy trong quản lý, sử dụng.

Đối với cấp THCS, THPT và giáo dục thường xuyên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Xuân Thành cho biết sẽ triển khai thí điểm hệ thống học bạ số bao gồm: Tạo lập, cập nhật học bạ số; quản lý và lưu trữ học bạ số; sử dụng học bạ số (tra cứu thông tin, thực hiện các thủ tục hành chính,…); kết nối, trao đổi dữ liệu học bạ số với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đào tạo, cơ sở dữ liệu quốc gia; các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ bảo đảm thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật về xác thực điện tử, bảo mật thông tin...

Để triển khai hiệu quả học bạ số trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng các địa phương cần bám sát mục đích, yêu cầu Đề án 06 của Chính phủ và kế hoạch triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thống nhất trong chỉ đạo toàn ngành, phân cấp, phân quyền, rõ nhiệm vụ, phải gắn kết chặt chẽ các giải pháp kỹ thuật và chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện. Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp ý kiến góp ý từ các đơn vị, địa phương, rà soát các văn bản pháp lý liên quan để thống nhất các khái niệm, thuật ngữ, nội hàm khi triển khai.

Ngày 11/2/2024 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thí điểm học bạ số năm học 2023-2024, triển khai đại trà từ năm học 2024-2025.