Tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Tran Huy

Việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của kiểm toán nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo tóm tắt về dự thảo Pháp lệnh. (Ảnh: DUY LINH)
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo tóm tắt về dự thảo Pháp lệnh. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 13/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Cần thiết ban hành Pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Báo cáo tóm tắt về dự thảo Pháp lệnh, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trải qua gần 30 năm hoạt động, hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của kiểm toán nhà nước ngày càng hoàn thiện, đồng bộ.

Tuy nhiên, trên thực tế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước có xu hướng gia tăng và mang tính đặc thù, nhưng đến nay còn thiếu các quy định về chế tài cụ thể để bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của kiểm toán nhà nước, tính nghiêm minh của Luật Kiểm toán nhà nước.

Tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước ảnh 1

Quang cảnh phiên họp sáng 13/2. (Ảnh: DUY LINH)

Nhấn mạnh kiểm toán nhà nước là lĩnh vực có tính đặc thù, hoạt động mang tính chuyên môn cao, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng việc phân định hành vi vi phạm nào là hành vi phát sinh từ công vụ, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và các cơ quan nhà nước để từ đó loại trừ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh trong thực tiễn là điều quan trọng và cần thiết.

Theo ông Tuấn, Pháp lệnh được ban hành sẽ giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của kiểm toán nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật.

Pháp lệnh được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của kiểm toán nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Dự thảo Pháp lệnh sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 5 chương, 21 điều, quy định hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Về hình thức xử phạt, căn cứ quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính bao gồm phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (đến 50 triệu đồng đối với cá nhân và đến 100 triệu đồng đối với tổ chức).

Trong đó, quy định mức phạt tiền được xây dựng phù hợp theo nguyên tắc bảo đảm mức độ răn đe và tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm tính khả thi, mức độ giáo dục pháp luật và tính hợp lý của việc áp dụng hình thức, mức phạt.

Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, dự thảo Pháp lệnh quy định tại Điều 15 gồm 4 chức danh: Kiểm toán viên nhà nước, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng. Trong khi đó, Trưởng đoàn kiểm toán và Kiểm toán trưởng có thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh: DUY LINH)

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật nhất trí sự cần thiết ban hành Pháp lệnh nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Do đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với lĩnh vực kiểm toán nhà nước nên Ủy ban Pháp luật thống nhất quan điểm: Pháp lệnh chỉ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến để bảo đảm tính khả thi; qua quá trình thực hiện sẽ tiến hành tổng kết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung trong trường hợp cần thiết.

Ủy ban Pháp luật tán thành với các quy định về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 6), mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền (Điều 7), đề nghị bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số tiền tương ứng với số tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác đã đưa hoặc sẽ đưa để mua chuộc, hối lộ Trưởng đoàn kiểm toán, Phó Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán” để áp dụng với hành vi vi phạm hành chính “mua chuộc, hối lộ” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của dự thảo Pháp lệnh.

Quy định rõ hơn về hành vi vi phạm, phạm vi xử phạt vi phạm

Cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, nhấn mạnh việc ban hành Pháp lệnh là cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Liên quan một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn phạm vi quy định xử phạt; làm rõ giữa xử phạt theo quy định của Pháp lệnh này với xử phạt theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính.

Lưu ý về tính khả thi, phù hợp của các quy định, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề nên chăng quy định về phạt vi phạm đối với những vấn đề đã có quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước, những nội dung nào cần Tổng Kiểm toán quy định cũng cần quy định ngay trong Pháp lệnh này để có căn cứ xử phạt.

Cùng với đó quy định kỹ lưỡng về mức độ vi phạm, hành vi vi phạm, gắn với đó là phải ngang bằng với nhau về quyền và trách nhiệm của người thực thi nhiệm vụ kiểm toán, của các đơn vị có liên quan hoạt động kiểm toán, đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân liên quan.

Tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước ảnh 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Pháp lệnh. (Ảnh: DUY LINH)

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng góp ý vào một số điều khoản cụ thể như giải thích từ ngữ về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, cách thức thực hiện xử phạt vi phạm hành chính…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị dự thảo Pháp lệnh quy định rõ ràng hơn thế nào là không cung cấp thông tin, tài liệu và thế nào là từ chối cung cấp thông tin, tài liệu; giải thích rõ vì sao hành vi từ chối bị xử phạt nặng hơn hành vi không cung cấp thông tin, tài liệu…

Về quy định phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công (Điều 13), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường và Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh có chung quan điểm cho rằng, phạm vi hành vi che giấu trong lĩnh vực về tài chính công, tài sản công là rất rộng, mức phạt còn thấp. Vì vậy, cần làm rõ hành vi che giấu, mức độ vi phạm ở từng lĩnh vực để nội dung quy định trong Pháp lệnh cụ thể, khả thi hơn.

Giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, tại khoản 3 Điều 4 đã quy định rất rõ, cán bộ, công chức lực lượng vũ trang cơ yếu vi phạm quy định trong lĩnh vực kiểm toán nhưng chứng minh được do thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao thì không thuộc đối tượng của quy định tại Pháp lệnh này.

Về tính khả thi, trong quy trình hoạt động kiểm toán cũng thực hiện theo nguyên tắc rà soát lại những việc gì đã rõ, thường xuyên xảy ra, cần phải xử phạt mới đưa vào Pháp lệnh; rà soát quy định của Nghị định 118 của Chính phủ và rà soát hành vi tương đồng của Nghị định 41 năm 2018 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.

Đối với việc khắc phục hậu quả, trường hợp đối tượng kiểm toán không ký thì vẫn tiến hành xử phạt và kiểm toán vẫn phát hành báo cáo theo quy định.

Tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước ảnh 4

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Pháp luật tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; phối hợp Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Tài chính-Ngân sách tiếp tục làm rõ các ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu.

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành về nguyên tắc, giao lại hai cơ quan Kiểm toán nhà nước và Ủy ban Pháp luật bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản kèm báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự thảo, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Pháp lệnh trong tháng 2/2023.

VĂN TOẢN