Thách thức kép của Đức trong khủng hoảng di cư

Nguyễn Ánh Hiền
Không chỉ chịu áp lực mạnh mẽ trong nước về vấn đề nhập cư, chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng phải gánh trách nhiệm lớn đối với nỗi lo không của riêng ai ở “lục địa già” vốn đang thúc đẩy các giải pháp ngăn dòng người ồ ạt kéo tới “miền đất hứa”...

Theo Politico, chính phủ của Thủ tướng Scholz đang đứng trước nguy cơ thất bại trong việc đạt được những cải cách quan trọng về vấn đề nhập cư. Một nghịch lý đang diễn ra là càng nỗ lực tìm cách giảm số lượng người xin nhập cư, nước Đức lại càng nhận được nhiều đơn xin tị nạn hơn. Từ đầu năm tới nay, lượng đơn xin tị nạn đã tăng hơn 70% khiến ông Scholz vốn nổi tiếng hòa nhã, cũng đang phải tính tới những biện pháp cứng rắn hơn.

Năm nay, Đức dự kiến sẽ tiếp nhận số lượng kỷ lục người xin tị nạn kể từ mức đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 do cuộc nội chiến ở Syria gây ra. Với hơn 3 triệu người tị nạn hiện nay, chính phủ của ông Scholz đang phải đối mặt với áp lực nặng nề.

Làn sóng người tị nạn gần đây đã đẩy nhiều khu vực và thành phố của Đức vào hoàn cảnh khó khăn. Các quan chức địa phương cho biết họ không bảo đảm được nhà ở cho người tị nạn cũng như nhân sự để xử lý các vấn đề liên quan tới hơn 250.000 người xin tị nạn đã đến nước này trong năm 2023. Trong khi đó, những bất lực trong ngăn chặn dòng người di cư đang khiến người dân Đức thất vọng nhiều hơn vào cách thức xử lý của chính phủ.

Trong bối cảnh đó, các bang và thành phố đã gây sức ép lên chính phủ nhằm nhận được các khoản tài chính để có thể bảo đảm điều kiện ăn ở vốn đang quá tải hiện nay của người tị nạn, cũng như vấn đề chăm sóc và sự hòa nhập của họ. Cuộc họp của ông Scholz với lãnh đạo 16 bang mới đây phần nào giúp các địa phương đạt mục tiêu khi nhận được nhiều tiền hơn từ chính phủ liên bang để chi trả cho việc tiếp nhận người tị nạn. Tuy nhiên, mục tiêu giảm số lượng người tị nạn vẫn là một vấn đề hóc búa.

90-395824635pm-1704252046.jpeg
Cảnh sát liên bang của Đức xử lý một nhóm người nhập cư trái phép qua biên giới Ba Lan vào Đức. Ảnh: AP

Một gói cải cách mới cũng được thông qua bao gồm các biện pháp hạn chế người nhập cư, nhưng được đánh giá là không mấy triển vọng. Trong đó có thể kể tới kế hoạch cấp phúc lợi cho người tị nạn bằng thẻ ghi nợ thay vì tiền mặt, đồng thời khiến những người mới đến phải chờ đợi lâu hơn để nhận được phúc lợi của Đức. Sáng kiến được gọi là mới này lại chứa đựng những cam kết cũ nhằm đẩy nhanh quá trình đánh giá và trục xuất người tị nạn, tăng cường kiểm soát biên giới và theo đuổi những cuộc đàm phán với các nước ở châu Phi cũng như nhiều nơi khác để ngăn chặn dòng người xin tị nạn. Việc trục xuất cũng không phải “muốn là được” vì nhiều người tị nạn áp dụng chiêu vứt bỏ giấy tờ của mình, như hộ chiếu, vì biết rằng như vậy sẽ làm phức tạp thêm việc trục xuất.

Hiện một số biện pháp đang được Đức áp dụng như kiểm tra tạm thời ở biên giới Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ, cũng như áp dụng các hình phạt cứng rắn hơn đối với tội phạm buôn người. Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser đã đề xuất luật đẩy nhanh việc trục xuất những người xin tị nạn không đủ điều kiện ở lại Đức. Chính phủ Đức cũng đang tìm cách cho phép những người xin tị nạn thành công bắt đầu làm việc sớm hơn.

Tuy nhiên, Chính phủ Đức đang đối mặt với những áp lực phải thi hành những biện pháp cứng rắn hơn theo một thỏa thuận chung mà các nước Liên minh châu Âu (EU) phải chật vật mới đạt được vào tháng 10 và đang phải chờ Nghị viện châu Âu thông qua. Đó là Hiệp ước về di cư và tị nạn của EU, trong đó có những điều khoản giúp giảm bớt gánh nặng cho các quốc gia trên tuyến đầu ứng phó với dòng người di cư như Đức. Cụ thể đó là chuyển một số lượng người tị nạn sang các quốc gia EU khác hoặc yêu cầu đóng góp tài chính từ những nước từ chối tiếp nhận người tị nạn.

Mặc dù Đức cũng sẽ là nước hưởng lợi chính từ thỏa thuận của EU, nhưng cách tiếp cận của nước này đối với các cuộc đàm phán về hiệp ước trên đã cho thấy sự dè dặt của chính phủ do ông Scholz đứng đầu trước áp lực phải thực thi đường lối cứng rắn hơn trong vấn đề tị nạn. Trên thực tế, Berlin vẫn miễn cưỡng chấp nhận các điều khoản nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như cho phép giam giữ những người xin tị nạn ở biên giới bên ngoài EU cho đến khi trường hợp của họ được giải quyết.

Là một trong những nước giữ vai trò chính trong xử lý cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu, Thủ tướng Scholz tuyên bố rằng “sự đoàn kết” của châu Âu trong việc chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người tị nạn là giải pháp khả thi duy nhất cho vấn đề này. Người tiền nhiệm của ông là bà Angela Merkel cũng từng đề cập tới điều này cách đây gần một thập kỷ. Và kết cục cũng giống nhau đó là không mấy quốc gia ở “lục địa già” vốn đầy chia rẽ để tâm tới điều này. Thách thức kép đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu trong việc tìm lời giải cho bài toán nhập cư vì thế càng nan giải hơn.