Thái Nguyên: Đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa

Nguyễn Ánh Hiền
Theo đánh giá của UBND tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2021 đến nay, công tác quản lý, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn có những chuyển biến tích cực. Các di sản được quan tâm đầu tư, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa, tinh thần phục vụ nhân dân.

di-tich-11823-1691721092.jpg

Cổng chính của Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 tại gốc đa xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Tỉnh hiện có 299 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (một Di tích Quốc gia đặc biệt, 57 Di tích Quốc gia, 229 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Trong số các di tích trên địa bàn, có 275 di tích lịch sử, hai di tích khảo cổ, 9 di tích kiến trúc nghệ thuật, hai di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, 8 di tích danh lam thắng cảnh, ba di tích lịch sử và thắng cảnh. Toàn tỉnh đã kiểm kê được 550 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 19 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn theo đề án đã được phê duyệt, địa phương đã số hóa được 128/299 hồ sơ khoa học đối với các di tích đã được xếp hạng Quốc gia đặc biệt, Quốc gia và cấp tỉnh, đạt hơn 40%; đã xếp hạng được đầu tư, tu bổ, tôn tạo, phục hồi 32 di tích; lập hồ sơ khoa học xếp hạng Quốc gia 5 di tích; lập hồ sơ khoa học xếp hạng cấp tỉnh 16 di tích. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 32 di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo; trong đó có 8 di tích Quốc gia, 24 di tích cấp tỉnh, với tổng kinh phí đầu tư là hơn 95 tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 29 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa...

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành lập dự án Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Nùng (xóm Tân Đô, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ) để triển khai việc đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững theo mô hình Bảo tàng sinh thái và Bảo tàng cộng đồng. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh đã lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đối với 4 di sản, trong đó có hai di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; hỗ trợ xây dựng và triển khai, thực hiện mô hình Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa; lồng ghép tổ chức xây dựng 19 mô hình, mẫu hình văn hóa tại các địa phương…

UBND các huyện tùy vào đặc điểm tình hình địa phương và định hướng phát triển kinh tế - hội đã chủ động triển khai các hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các địa danh di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội của địa phương. Điển hình như: huyện Phú Lương đã chỉ đạo tổ chức truyền dạy văn hóa phi vật thể quốc gia múa Tắc Xình cho 100% học sinh, giáo viên các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn huyện; huyện Định Hóa phối hợp, đề xuất với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hỗ trợ số hóa 18 hồ sơ di tích lịch sử Quốc gia trên địa bàn, tích hợp hệ thống du lịch thông minh của tỉnh. Huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống, di sản văn hóa gắn với xúc tiến du lịch trên trang thông tin điện tử của huyện, trên các trang mạng xã hội như: facebook, youtube, zalo; xây dựng hình ảnh 3D giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc...

Việc áp dụng số hóa hồ sơ di sản văn hóa được các đơn vị, cơ quan triển khai thực hiện đồng bộ, trách nhiệm. Công tác sưu tầm, phục dựng di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số trên địa bàn được các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đồng hành quan tâm triển khai, thực hiện. Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” được triển khai trên địa bàn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ...

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác phối hợp nghiên cứu, gắn kết, tích hợp hoạt động bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hóa lồng ghép với thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững...

Địa phương ưu tiên nguồn ngân sách đầu tư cho công tác quản lý, phục dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là những di tích, di sản văn hóa phi vật thể đã được xếp hạng, ghi danh có nguy cơ bị mai một, di tích xuống cấp nghiêm trọng; đầu tư phục dựng, bảo tồn làng văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể, các thuần phong, mỹ tục tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.