Bảo tồn những di sản quý của đồng bào dân tộc
Nếu như người Kinh nức danh với loại hình nghệ thuật múa rối nước thì người Tày tự hào với múa rối cạn hay (còn gọi là rối que). Múa rối cạn của người Tày có ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng nhất phải nhắc đến múa rối cạn Thẩm Rộc ở xã Bình Yên, huyện Định Hóa (Thái Nguyên).
Múa rối cạn Thẩm Rộc ở xã Bình Yên, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) |
Đây là loại hình nghệ thuật có lịch sử lâu đời, thường được biểu diễn vào dịp đầu năm mới, trong lễ xuống đồng với mục đích cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, ước nguyện cuộc sống bình yên của người dân.
Múa rối cạn Thẩm Rộc do dòng họ Ma Quang khai sinh và gìn giữ, tiếp nối đến nay đã trải qua 14 đời với hơn 200 năm tuổi. Ông Ma Quang Nhanh - Nghệ nhân múa rối cạn Thẩm Rộc - cho biết, ban đầu, bộ rối cạn chỉ đếm được 5 - 6 nhân vật (tích, trò), bắt đầu bằng những hình tượng đơn giản như rối bố, rối mẹ hoặc rối mệ. Theo thời gian, số lượng rối này đã tăng lên đến 33 con, chủ yếu thể hiện hình ảnh của vua quan, muông thú và người dân…
Ông Nhanh cho biết, suốt một thời gian dài do nhiều biến động, loại hình này gần như vắng bóng. Phải đến năm 2012, múa rối cạn mới được phục hồi. Hiện có tổng cộng 16 vở diễn rối cạn được ghi chép bằng chữ Hán Nôm trong sách cổ truyền. Tuy nhiên, ông chỉ còn thể hiện được 3 - 5 vở diễn, vì một số vở diễn khác đã không phù hợp hoặc cần phải được điều chỉnh để phản ánh hoàn cảnh hiện tại.
Ghi nhận giá trị của loại hình rối cạn ở Thẩm Rộc, xã Bình Yên và Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau khi được công nhận, rối cạn của người Tày thường xuyên được biểu diễn trong cộng đồng. Không những vậy, các nghệ nhân của phường rối còn đi biểu diễn ở khắp nơi như: Phố đi bộ Hà Nội, Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây…
Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, Trung ương và tỉnh Thái Nguyên sẽ dành một nguồn kinh phí lớn để đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. “Ngành Văn hóa đã tích cực nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa này thông qua việc mở lớp truyền dạy trong câu lạc bộ, trong trường học, hỗ trợ nghệ nhân… Đây sẽ là nguồn lực to lớn giúp bà con trên địa bàn tỉnh bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống”, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên khẳng định.
Cũng giống như múa rối cạn, năm 2015, hát Soọng Cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu (huyện Đồng Hỷ) được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ nhân Ưu tú Diệp Minh Tài, 78 tuổi, tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng huyện Đồng Hỷ, là một trong những người có công khôi phục, gìn giữ, lưu truyền rộng rãi nét đẹp câu hát Soọng Cô trong đồng bào người dân tộc Sán Dìu huyện Đồng Hỷ.
Hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Ông đã dành thời gian liên tục trong 15 năm để tìm kiếm được hơn 1.000 bài hát Soọng cô và hàng chục cuốn sách về phong tục, tập quán, như: Cúng đình làng, cúng tổ tiên, cúng mụ trẻ em, cúng cấp sắc của người dân tộc Sán Dìu viết bằng chữ Hán cổ, rồi kiên trì dịch sang tiếng dân tộc Sán Dìu và tiếng phổ thông.
Tinh thần hăng hái của ông Tài đã cuốn hút nhiều người cùng tham gia. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho đồng bào, năm 2011, chính quyền địa phương đã quyết định thành lập Câu lạc bộ hát Soọng Cô Tam Thái. Đây cũng là câu lạc bộ hát Soọng Cô đầu tiên của đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Từ đây, hát Soọng Cô lan tỏa, nhanh chóng trở thành một phong trào. Nhiều câu lạc bộ hát Soọng được thành lập, đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Lồng ghép nhiều mục tiêu gắn với chính sách bảo tồn
Hiện cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 550 di sản văn hóa phi vật thể đang được lưu giữ và phát huy. Cùng với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động quản lý, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh”. Việc triển khai này sẽ tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Theo đó, mục tiêu của Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 là 100% hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa; 10 - 12 di sản văn hóa phi vật thể được xây dựng hồ sơ đệ trình có thể đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 10 - 15 di sản văn hóa phi vật thể được đầu tư sưu tầm, phục dựng, tư liệu hóa; Các dữ liệu sẽ được tích hợp trong các dự án số hóa di sản ở tỉnh. Ngoài ra, Thái Nguyên sẽ hỗ trợ xây dựng và hoạt động cho 10 - 15 mô hình câu lạc bộ/hợp tác xã thực hành, truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển đời sống cộng đồng; Xây dựng 1 bộ tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu phục vụ chương trình giáo dục lịch sử địa phương thông qua di sản văn hóa; Xây dựng 1 bộ tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu phục vụ truyền dạy di sản văn hóa trong cộng đồng.
Thực hiện chủ trương chung, các địa phương của Thái Nguyên cũng đã ban hành và triển khai đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Cụ thể tại Định Hóa, địa phương này đã xác định tổng kinh phí thực hiện chương trình cần huy động trong giai đoạn này là gần 353 tỷ đồng, phần lớn là huy động xã hội hóa để tạo sức bật cần thiết biến văn hóa truyền thống thành sản phẩm phục vụ chính cộng đồng các dân tộc.
Theo đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, nguồn kinh phí này sẽ tập trung đầu tư phát triển 3 sản phẩm du lịch, gồm: Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa dân tộc thiểu số tại xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc; du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, danh thắng, di sản văn hóa, sinh thái, văn hóa trà tại xóm Phú Ninh và Khuôn Tát, xã Phú Đình và du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng tại các địa điểm nhà tù Chợ Chu - chùa Hang - hồ Bảo Linh và Thâm Bây (xã Quy Kỳ); đồng thời tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy di sản văn hóa; phát triển nguồn nhân lực…
Theo bà Hoàng Thị Ngà, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Định Hóa: Sau hơn 2 năm triển khai đề án, nhiều di tích được bảo tồn, tôn tạo, khôi phục. Các giá trị văn hóa tinh thần cũng được khuyến khích phát triển… Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, từng bước góp phần quan trọng giúp bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Theo Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hoá và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đảng ta xác định là: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
“Những dự án bảo tồn, phát triển các làng văn hoá trên địa bàn thời gian qua đã cho những kết quả khả quan. Không chỉ những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của đồng bào được gìn giữ mà từ đây trở thành tiền đề quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng các mô hình văn hóa, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục những làn điệu dân ca, dân vũ và các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số. Sự tham gia trực tiếp của đồng bào dân tộc thiểu số vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn đóng vai trò rất quan trọng, là nhân tố quyết định bởi chính đồng bào mới là chủ nhân của những di sản văn hóa đó” - đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên khẳng định.