Các gian hàng rực rỡ nhưng lại vắng khách đến mua (Ảnh: VŨ NGÂN) |
Dạo quanh các tuyến đường chuyên kinh doanh, buôn bán đèn lồng, bánh trung thu cho thấy, tình trạng vắng khách xuất hiện nhiều ngày qua. Ngoài ra, theo xu hướng thương mại điện tử, thói quen mua sắm cũng đang dần thay đổi ở nhiều khách hàng, nhất là với giới trẻ.
Ế ẩm các phố lồng đèn
Phố lồng đèn đường Lương Nhữ Học (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) rực rỡ đèn lồng từ khoảng giữa tháng Bảy âm lịch. Đây là địa chỉ quen thuộc để vui chơi mùa trung thu, đặc biệt thu hút sự chú ý của giới trẻ.
Dù lượng khách đến tấp nập nhưng các tiểu thương buôn bán trên phố vẫn gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu mua bán lồng đèn khá ảm đạm, trong đó, người đến tạo dáng chụp hình thì nhiều, người mua lại chẳng bao nhiêu.
Ông Nguyễn Tấn Tiến, một tiểu thương gắn bó hơn hai mươi năm với phố lồng đèn, cho biết tình hình buôn bán năm nay không khả quan. Các mẫu mã lồng đèn mới, cũ được nhập từ làng nghề lồng đèn Phú Bình đều bán chậm hơn năm trước.
Đa phần khách đến phố lồng đèn chỉ đến để chụp ảnh, nếu mua thì chỉ mua một cái tượng trưng. “Có khi ngồi từ sáng tới chiều cũng chỉ lai rai. Nói chung, tình hình bán lẻ của mặt hàng này năm nay khá ế ẩm”, ông Tiến chia sẻ.
Bà Võ Thị Tưi, chủ một sạp bán lồng đèn lâu năm cho biết, hàng năm nay không bán ra được, người tiêu dùng cũng khó khăn về kinh tế nên hiếm ai đến mua.
Những năm trước, khoảng thời gian đầu tháng 8 âm lịch là thời điểm bà Tưi bán chạy hàng nhất, thế nhưng năm nay chỉ mong thu vốn đã là vui rồi. Dù có nhiều mẫu mã mới lạ, sáng tạo nhưng không có mặt hàng nào bán chạy.
Năm 2023, phố lồng đèn cũng đứng trước nguy cơ ế ẩm do suy thoái kinh tế, không ngờ, người buôn bán lại hốt bạc nhờ trào lưu mua lồng đèn con thỏ của giới trẻ.
Thế nhưng năm 2024 không mỉm cười với họ, tình hình buôn bán không còn khả quan, nhiều tiểu thương lao đao khi phải đối mặt nguy cơ ôm hàng, xả lỗ.
Bánh Trung thu tung khuyến mãi kéo khách
Những sạp bánh trung thu được đặt tại các con đường lớn, nhộn nhịp người qua lại nhưng vẫn thưa thớt khách ghé thăm dù đã treo bảng “mua 1 tặng 4”.
Theo tìm hiểu, bánh chay có mức giá 50 nghìn đồng, bánh dẻo 40 nghìn đồng, bánh truyền thống thập cẩm, đậu xanh dao động trong khoảng 100 nghìn đồng/cái tùy thương hiệu.
Các loại bánh giảm giá chủ yếu là các loại bánh bình dân đến từ các thương hiệu như Đồng Khánh, Tân Đồng Khánh, không áp dụng với các thương hiệu lớn như Kinh Đô, Như Lan.
Ghé vào sạp bánh trên đường Trần Bình Trọng, quận 5, cô Ngọc Quý, đại diện sạp bánh, cho biết dù đã khuyến mãi 10% nhưng chẳng bán được bao nhiêu.
Cửa hàng bánh trung thu trên đường Lê Quang Định thưa thớt khách vào mua (Ảnh: NGUYỄN AN) |
Thành phố Hồ Chí Minh thời gian này thường xuyên có mưa vào giờ tan tầm, người mua chỉ mong về nhà sớm tránh mưa nên không ai ghé đến sạp xem bánh.
Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện chuộng đặt các loại bánh tự làm hoặc đặt bánh qua mạng nên sức mua của nguồn khách chính này không còn mạnh mẽ.
Kinh tế không ổn định cùng thời tiết xấu khiến doanh thu sạp bánh của anh Nguyễn Huy Vũ bị ảnh hưởng ít nhiều trong khi đã gần đến Trung thu.
Theo anh, do mưa gió nên khách ngại đến tận chỗ mua, chủ yếu đặt qua kênh online. Sức mua năm nay cũng giảm đáng kể so với mọi năm, một phần do kinh tế khó khăn, thêm nữa, đang trong thời điểm miền bắc đang gặp thiên tai, lũ lụt nên nhiều nơi đã hoãn các chương trình Trung thu dành cho thiếu nhi.
Nỗ lực làm mới mình bằng hình thức bắt mắt, thêm vào các loại nhân độc đáo nhưng bánh Trung thu bán sạp được nhiều người tiêu dùng nhận định không còn thu hút.
Có thể thấy, vì mạng xã hội phát triển mạnh, các sàn thương mại điện tử liên tục tung khuyến mãi, các phiên livestream xuất hiện gần như mỗi ngày nên khách hàng của mặt hàng này đã không chọn cách đi mua trực tiếp như trước đây.
Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay có xu hướng tự làm bánh trung thu tại nhà. Điều này cũng phần nào khiến cho các sản phẩm bánh truyền thống không còn nhiều người đến mua.
Theo dõi chặt chất lượng bánh Trung thu Theo Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường bánh Trung thu ở Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm gần đây rất đa dạng về chủng loại, kiểu dáng bắt mắt. Tuy nhiên, thị trường cũng xuất hiện nhiều chủng loại bánh 3 không (không nơi sản xuất, không hạn sử dụng, không thành phần). Xác định các nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với người dân, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cùng với đó, Sở An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp các ban ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu. |
VŨ NGÂN - NGUYỄN AN