Thiết thực ủng hộ đồng bào vùng bão, lũ

Tran Huy
Hàng triệu trái tim cả nước đang hướng về đồng bào phía bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai từ bão số 3 gây ra và những ngày qua, đông đảo các tầng lớp nhân dân ở miền Tây Nam Bộ cùng hướng về đồng bào miền bắc ruột thịt với tất cả sự thấu cảm, sẻ chia bằng những việc làm thiết thực đầy tình “tương thân tương ái”.
Phụ nữ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre tiếp nhận hàng hóa ủng hộ đồng bào miền bắc bị thiệt hại do bão số 3. (Ảnh HOÀNG TRUNG)
Phụ nữ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre tiếp nhận hàng hóa ủng hộ đồng bào miền bắc bị thiệt hại do bão số 3. (Ảnh HOÀNG TRUNG)

Sự sẻ chia trong lúc hoạn nạn của người dân phương nam như là một lẽ tự nhiên với mong muốn góp chung cùng cả nước xoa dịu dần những mất mát, đau thương, tiếp thêm động lực để đồng bào một số địa phương phía bắc sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống...

Thấu cảm, sẻ chia...

Những ngày qua, Hòa thượng Tăng Nô, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Hội trưởng Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh, Trụ trì chùa Khleang, người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer, rất tích cực vận động cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bão, lũ.

Hòa thượng Tăng Nô chia sẻ: “Sư sãi và đồng bào Khmer Sóc Trăng cảm thông trước sự mất mát to lớn của đồng bào miền bắc bị thiên tai. Những ngày qua, đông đảo phật tử Khmer đã phát tâm quyên góp nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau và mong đồng bào bị thiên tai ở miền bắc sớm vượt qua khó khăn, khôi phục lại cuộc sống mới an lành”.

Tại tỉnh Vĩnh Long, chị Nguyễn Thu Trang, nhân viên điều dưỡng Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, đã đến trụ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh góp chút tình gửi về miền bắc thân thương. Chị Trang chia sẻ: “Qua báo đài, chứng kiến những khó khăn, vất vả của người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3, em hết sức xúc động. Mỗi lần xem những hình ảnh ấy, em không thể nào kìm được nước mắt. Nhóm tụi em đã góp một phần nhỏ để chia sẻ với người dân miền bắc, mong tất cả sớm vượt qua khó khăn”.

Tại “Đêm hội Trăng rằm-San sẻ yêu thương lần thứ 5 năm 2024” diễn ra ngày 15/9 tại Cần Thơ, Ban tổ chức đã dành phần lớn thời gian để tổ chức quyên góp nhằm hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 gây ra. Ngay từ đầu chương trình, mã QR chuyển khoản hỗ trợ đồng bào được chiếu lên màn hình lớn. Trong không gian tổ chức chương trình, nhiều thùng quyên góp đã được bố trí để các em nhỏ có thể đóng góp theo cách của mình.

Không giấu nổi xúc động, anh Nguyễn Văn Minh ở quận Ninh Kiều chia sẻ: “Lá lành đùm lá rách là đạo lý quý báu của dân tộc ta. Đồng bào miền bắc chịu ảnh hưởng của bão, lũ, mỗi sự đóng góp, dù ít, dù nhiều đều mang những giá trị to lớn, cùng sẻ chia hoạn nạn. Tôi có hai con, dịp này, tôi đưa các cháu đến đây cũng để phần nào giáo dục tinh thần đó cho con. Theo tôi, tinh thần sẻ chia và tình yêu thương, trách nhiệm xã hội là những điều trẻ cần sớm được giáo dục...”.

Bão lũ đi qua, tình người đọng lại

Mấy ngày nay, tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều nhóm thiện nguyện đã được lập nên nhằm chung tay, góp sức ủng hộ đồng bào các địa phương miền bắc bị thiệt hại do bão số 3. Gia đình cô Nguyễn Thị Kim Thảo, sinh năm 1988, giáo viên dạy lớp 3/1, Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Phường 3, thành phố Cao Lãnh, chủ lò bánh mì cô Thảo, thấy người dân vùng bão, lũ chịu cảnh mất mát quá lớn nên muốn có chút đóng góp. Vợ chồng cô Thảo làm bánh mì hút chân không và mua sữa, xúc xích đóng gói gửi ra cho đồng bào. Biết việc làm của vợ chồng cô Thảo và được bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người đã tìm đến và nhóm thiện nguyện “Lò bánh mì cô Thảo” hình thành với chín thành viên.

“Mấy hôm nay vừa tiếp nhận hàng, vừa xếp quần áo suốt ngày luôn. Có hôm, hai vợ chồng tiếp nhận hàng từ thiện mệt quá, về nhà ăn lót dạ, người dân mang hàng từ thiện ra điểm tiếp nhận thì thấy đóng cửa. Vậy là họ chất các bao gạo, thùng mì gói, quần áo, sữa… phía trước nhà không còn lối ra vào, thấy thương lắm luôn”, cô Thảo chia sẻ.

Hàng từ thiện của nhóm thiện nguyện “Lò bánh mì cô Thảo” được ông Nguyễn Ngọc Út (tên thường gọi là Út Râu), 63 tuổi ở Phường 2, thành phố Cao Lãnh dùng xe ba gác của mình vận chuyển miễn phí đến một địa điểm ở Phường 1. Đây là nơi tiếp nhận hàng từ thiện của người dân ở thành phố Cao Lãnh để vận chuyển bằng xe tải miễn phí đi cứu trợ tại các tỉnh phía bắc như: Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên...

Tính chung toàn tỉnh, đến 16 giờ ngày 22/9, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp của Đồng Tháp đã tiếp nhận từ các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 với số tiền gần 17,8 tỷ đồng.

Tại Cần Thơ, đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tiếp nhận hơn 8 tỷ đồng từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ và nhiều hàng hóa. Thành đoàn phối hợp tổ chức tám chuyến xe nghĩa tình chuyển 145 tấn hàng hóa thiết yếu trị giá khoảng 4 tỷ đồng hỗ trợ người dân vùng chịu ảnh hưởng bão, lũ.

Ngay sau lễ phát động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cùng các tổ chức, cá nhân đã đăng ký ủng hộ hơn 6,8 tỷ đồng. Liên tiếp những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã tìm đến hỗ trợ tiền và nhu yếu phẩm ở các điểm tiếp nhận tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Tỉnh đoàn Vĩnh Long. Chỉ sau mấy ngày, hai đơn vị này đã tiếp nhận hơn 60 tấn hàng hóa và nhu yếu phẩm, tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Tại tỉnh Sóc Trăng, gia đình ông Huỳnh Chí Sơn, cán bộ hưu trí đang sinh hoạt đảng tại Phường 2, thành phố Sóc Trăng, đã đến cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trao 5 triệu đồng từ lương hưu gửi đến đồng bào các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Hai anh em Huỳnh Phúc Duy và Huỳnh Phúc An, học sinh Trường Lý Thường Kiệt, thành phố Sóc Trăng trao 200.000 đồng từ tiền gửi tiết kiệm của cá nhân.

Hai anh em Lư Chấn Duệ và Lư Chấn Nguyên, học sinh của Trường Thực hành sư phạm Sóc Trăng đóng góp 1 triệu đồng. “Sau khi bàn bạc và thống nhất, anh em con dùng số tiền tiết kiệm từ tiền ăn sáng được cha mẹ cho hằng ngày để thông qua các cơ quan, đơn vị gửi đến bà con ngoài đó”, em Lư Chấn Duệ cho hay.

Cùng người dân khắp mọi miền đất nước, các tầng lớp nhân dân ở vùng đất phương nam vẫn đang tiếp tục sẻ chia, đóng góp thiết thực nhằm góp phần xoa dịu dần mất mát, đau thương, tiếp thêm động lực để đồng bào một số địa phương miền bắc sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. “Vết thương” do bão, lũ gây ra rồi cũng sẽ được chữa lành, nhưng tình người còn đọng mãi...

NHÓM PVTT TẠI TÂY NAM BỘ