Thủ tướng chỉ thị về xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2026 - 2030

Vũ Xuân Kiên
(tapchivietduc.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 18/CT-TTg về xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2026 - 2030.

gdp-1717127892.jpg

Ảnh minh họa

NỘI DUNG CHỦ YẾU

Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 -2025: Chỉ thị nêu rõ, việc đánh giá tình hình thực hiện 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 phải làm rõ những kết quả đạt được gắn với mục tiêu đã đề ra trong các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương khóa XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; các Nghị quyết của Quốc hội về các kế hoạch 5 năm; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về các kế hoạch 05 năm địa phương; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Chiến lược trong lĩnh vực tài chính, nợ công, thuế, hải quan, dự trữ quốc gia, phát triển các thị trường tài chính (chứng khoán, bảo hiểm,...) đến năm 2030; những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm rút ra trong bối cảnh thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.

Trong tổ chức thực hiện đánh giá kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và các cơ quan có liên quan tập trung phân tích, đánh giá các nội dung chủ yếu sau:

a) Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025:

(1) Bối cảnh triển khai các nhiệm vụ, những yếu tố thuận lợi, thách thức trong tổ chức thực hiện, trong đó lưu ý các vấn đề về chính trị, kinh tế - xã hội trọng tâm, các yếu tố khách quan (dịch bệnh, xung đột,...) có tác động đến lĩnh vực tài chính - ngân sách;

(2) Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước.

(3) Trên cơ sở tình hình thực hiện các năm giai đoạn 2021 - 2024 và dự kiến kế hoạch năm 2025, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, gồm:

- Thu, cơ cấu thu ngân sách nhà nước (theo lĩnh vực, theo sắc thuế và phân cấp); tính bền vững của nguồn thu, cơ cấu ngân sách nhà nước, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

- Chi, cơ cấu chi ngân sách theo lĩnh vực chi đầu tư phát triển (việc đảm bảo nguồn chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt), chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi dự trữ quốc gia,...; theo chức năng kinh tế trong ngành, lĩnh vực và phân cấp ngân sách nhà nước.

- Việc thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội1.

- Bội chi ngân sách nhà nước;

- Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia;

- Huy động vốn vay trong và ngoài nước;

- Phát triển thị trường và dịch vụ tài chính;

- Công tác cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước;

- Việc thực hiện các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Việc đánh giá thực hiện cần tập trung làm rõ các chỉ tiêu đạt được, chưa đạt được; kết quả thực hiện các mục tiêu, nguồn lực tài chính tác động đến và gắn với kết quả, hiệu quả thực hiện các mục tiêu, chương trình/đề án/nhiệm vụ trong ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

(4) Đánh giá tình hình huy động và phân phối các nguồn lực tài chính trong 05 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó làm rõ việc thực hiện phân bổ, sử dụng dự toán ngân sách nhà nước gắn với kết quả, khả năng hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 của các mục tiêu đột phá chiến lược, các kế hoạch tài chính, đầu tư trung hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong cả giai đoạn 2021 - 2025 hoặc đến năm 2030; việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, lương hưu, trợ cấp người có công, các chính sách an sinh xã hội; số kinh phí cắt giảm/dành ra gắn với thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế hành chính và giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước gắn với quá trình thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; kết quả sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.

(5) Đánh giá chi tiết việc triển khai từng nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong giai đoạn đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm, trong đó lưu ý một số các yếu tố khách quan bên ngoài, như: ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xung đột quân sự ở một số khu vực,... tác động đến tăng trưởng kinh tế, thị trường, giá cả, lạm phát và các giải pháp ứng phó trong điều hành nhằm hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra.

(6) Trên cơ sở đó làm rõ các mặt được và chưa được, những hạn chế, khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện; phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm.

b) Đánh giá tình hình thực hiện tài chính 05 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021 - 2025:

Ngoài các nội dung đánh giá chung nêu tại điểm a ở trên, đề nghị đánh giá cụ thể các vấn về thuộc thẩm quyền địa phương, trong đó:

(1) Đánh giá việc ban hành các chế độ, chính sách về thu, chi theo thẩm quyền; số thu và số chi đối với các chế độ, chính sách này trong từng năm và 05 năm 2021 - 2025.

(2) Đánh giá các kết quả chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước, gồm:

- Tổng số thu và cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn từng năm và 05 năm; phần thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, trong đó chi tiết thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế; các yếu tố tác động đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và các giải pháp về chính sách và quản lý thu đã triển khai nhằm huy động nguồn thu ngân sách nhà nước.

- Tổng số thu phí, lệ phí thu được; số chi từ nguồn phí để lại cho các cơ quan thu và số tiền phí, lệ phí nộp ngân sách nhà nước.

- Tình hình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của địa phương giai đoạn 2021 - 2025.

- Tổng số chi và cơ cấu chi ngân sách của địa phương; trong đó chi tiết chi đầu tư phát triển và cơ cấu chi đầu tư phát triển theo tính chất nguồn vốn (nguồn xây dựng cơ bản tập trung, nguồn sử dụng đất, nguồn xổ số kiến thiết, nguồn bội chi ngân sách địa phương); chi thường xuyên; chi trả nợ lãi; việc cơ cấu lại chi ngân sách địa phương, số kinh phí cắt giảm/dành ra gắn với thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế hành chính và giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước gắn với quá trình thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và việc sử dụng nguồn kinh phí này trong từng năm và 05 năm qua; tổng chi quỹ lương của địa phương và nguồn cải cách tiền lương.

- Tình hình bội chi ngân sách địa phương từng năm và bình quân 05 năm 2021 - 2025; quy mô huy động của địa phương từng năm và 05 năm, chi tiết theo nguồn vốn huy động, theo mục đích sử dụng; nợ chính quyền địa phương thời điểm cuối các năm và cơ cấu dư nợ theo nguồn vốn; huy động (phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; vay lại nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; vay ngân quỹ nhà nước; vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam; vay ngân hàng thương mại và vay khác); việc chi trả nợ gốc và nguồn chi trả nợ gốc từng năm và 5 năm qua.

(3) Việc thực hiện cơ chế tài chính đặc thù và các quy hoạch của địa phương gắn với kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 tại địa phương.

(4) Đánh giá thực hiện cần tập trung lưu ý làm rõ về các chỉ tiêu đạt được, chưa đạt được; kết quả thực hiện các mục tiêu, nguồn lực tài chính gắn với các kết quả, hiệu quả thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, các chương trình/đề án/nhiệm vụ cụ thể tại địa phương. Trên cơ sở đó, phân tích những hạn chế, khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện; các nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm.

LẬP K HOẠCH TÀI CHÍNH 05 NĂM GIAI ĐOẠN 2026 - 2030

1. Xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2026 - 2030:

a) Dự báo bối cảnh, tình hình chính trị, kinh tế, tài chính thế giới và trong nước có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước trong 5 năm giai đoạn 2026 - 2030.

b) Phân tích những khó khăn, thách thức, các yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2026 - 2030.

c) Xây dựng mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước, gồm: Thu và cơ cấu thu ngân sách, chi và cơ cấu chi ngân sách; bội chi ngân sách nhà nước; nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia; huy động và phân phối các nguồn lực, cơ cấu ngân sách nhà nước trong 05 năm giai đoạn 2026 - 2030.

d) Xác định khung cân đối ngân sách nhà nước 05 năm giai đoạn 2026 - 2030, bao gồm:

- Tổng thu ngân sách nhà nước, chi tiết cơ cấu thu theo lĩnh vực;

- Tổng chi ngân sách nhà nước, chi tiết theo cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi dự trữ quốc gia, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ, các khoản chi khác; các yếu tố tác động đến chi ngân sách nhà nước, trong đó có việc thực hiện tổng thể chính sách cải cách tiền lương và các chính sách về lương hưu, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội;

- Cân đối ngân sách nhà nước: Bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách trung ương; tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc;

đ) Các chỉ tiêu về quản lý nợ theo quy định của Luật Quản lý nợ công trong giai đoạn 2026 - 2030, gắn với định hướng thu hút vốn ODA thế hệ mới.

e) Các nhiệm vụ giải pháp tài chính nhằm thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, gồm giải pháp đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; giải pháp thu ngân sách nhà nước; giải pháp quản lý đảm bảo cơ cấu chi, hiệu quả chi ngân sách nhà nước; giải pháp quản lý đảm bảo an toàn, bền vững nợ công; giải pháp về phát triển thị trường, dịch vụ tài chính, huy động các nguồn lực quốc tế trong các lĩnh vực mới nổi; quản lý tài sản công, doanh nghiệp nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, khu vực quản lý nhà nước.

2. Xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2026 - 2030:

a) Dự báo tình hình kinh tế, tài chính, chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu tại địa phương (tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP), chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng của các lĩnh vực sản xuất, ngành hàng và giá các sản phẩm, hàng hóa chủ chốt) có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách địa phương trong 05 năm giai đoạn 2026 - 2030.

b) Xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch tài chính 05 năm của địa phương; mục tiêu, định hướng huy động và phân phối các nguồn lực của địa phương trong thời gian 05 năm kế hoạch.

c) Xác định mục tiêu cụ thể, chủ yếu; khung cân đối về tài chính - ngân sách của địa phương trên cơ sở các chính sách, chế độ hiện hành; bao gồm:

- Thu và cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn phù hợp với các dự kiến trình cấp thẩm quyền về định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong cùng kỳ; thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp (chi tiết thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế); các yếu tố tác động đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm huy động nguồn thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp, lĩnh vực có nguồn thu lớn.

Dự kiến các khoản thu hồi vốn của ngân sách địa phương đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc phạm vi quản lý của địa phương 05 năm 2026 - 2030.

- Chi ngân sách địa phương, gồm: Tổng chi và cơ cấu chi ngân sách trên cơ sở các cơ chế, chính sách năm 2025, chi tiết theo chi đầu tư phát triển (trong đó làm rõ cơ cấu chi đầu tư phát triển theo tính chất nguồn xây dựng cơ bản tập trung, nguồn sử dụng đất, nguồn xổ số kiến thiết, nguồn bội chi ngân sách địa phương), chi thường xuyên, chi trả nợ lãi và tổng chi quỹ lương của địa phương; các yếu tố tác động đến chi ngân sách địa phương; các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm đảm bảo cơ cấu chi hợp lý, bền vững, nâng cao hiệu quả chi ngân sách địa phương;

Dự kiến nguồn thực hiện chính sách mới theo quy định và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn dành ra từ việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế (nếu có).

- Cân đối ngân sách địa phương: Bội chi hoặc bội thu ngân sách địa phương; tăng mức vay của ngân sách địa phương, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương.

d) Các chỉ tiêu về quản lý nợ của địa phương, gồm: Hạn mức vay, dư nợ vay của chính quyền địa phương; dự kiến vay, trả nợ.

đ) Dự báo những rủi ro tác động đến khung cân đối ngân sách địa phương và các chỉ tiêu quản lý về nợ của chính quyền địa phương.

e) Các giải pháp tài chính khác nhằm thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan trung ương có liên quan xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định, đảm bảo tiến độ theo quy định tại Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14, Nghị quyết số 974/2020/UBTVQH14 và Nghị định số 45/2017/NĐ-CP. Ngoài ra, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026 trình cấp thẩm quyền; gửi các địa phương để hoàn thiện kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, trình Hội đồng nhân dân quyết định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 05 năm 2026 - 2030 gửi Bộ Tài chính làm căn cứ xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, đảm bảo tiến độ theo quy định tại Nghị định số 45/2017/NĐ-CP. Ngoài ra, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 trình cấp thẩm quyền; gửi các địa phương để hoàn thiện kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, trình Hội đồng nhân dân quyết định.

Các bộ, cơ quan trung ương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 05 năm giai đoạn sau của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để làm căn cứ xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia. Đồng thời, chủ động xây dựng báo cáo đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của giai đoạn 2021 - 2025 gắn kết với các mục tiêu, nguồn lực tài chính bố trí trong giai đoạn; dự kiến mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các điều chỉnh chính sách thuộc phạm vi quản lý và đánh giá tác động, nhu cầu tài chính, ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2026 - 2030; trên cơ sở đó gửi và phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thiện kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2026 - 2030.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP, Nghị định số 31/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan và trên cơ sở Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan khác ở địa phương xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gửi xin ý kiến và hoàn chỉnh theo ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định đảm bảo về yêu cầu, nội dung và thời gian theo quy định tại các Nghị định số 45/2017/NĐ-CP và Nghị định số 31/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, căn cứ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026 và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2026, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành theo thẩm quyền./.

PV (TCVĐ)