Ngày 4/10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 4/10 khẳng định gói hỗ trợ năng lượng trị giá 200 tỷ euro (198 tỷ USD) mà chính phủ vừa đưa ra là hợp lý và các chính sách tương tự đang được thực hiện ở nhiều nơi khác.
“Lá chắn phòng thủ” bao gồm giảm đà tăng của xăng dầu, giảm thuế bán nhiên liệu... là nhằm mục đích bảo vệ các doanh nghiệp và hộ gia đình khỏi tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đang khiến giá cả phi mã.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin trong chuyến thăm của người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte, ông Thủ tướng Olaf Scholz nói: “Các biện pháp chúng tôi đang thực hiện không phải là duy nhất mà nó đang được làm ở nhiều nơi khác. Một số nơi thực hiện tiến trình này từ lâu, với những hình thức hỗ trợ mạnh mẽ, nhằm đạt được đúng những gì chúng tôi đã đề ra trong năm nay và hai năm tới.”
Theo ông Scholz, nhìn chung, đây là một gói hỗ trợ thông minh, được cân nhắc và mang tính quyết định, nhằm đưa giá đi xuống cũng như hỗ trợ người dân có thể chịu đựng được trước những khó khăn về giá cả.
Trước đó cùng ngày, ông Scholz đã có cuộc gặp với các thủ hiến bang và tại cuộc họp báo sau đó, Thủ tướng một lần nữa bảo vệ quyết định của chính phủ, cho rằng nhiệm vụ của chính phủ là bảo vệ người dân và việc làm.
Ông Scholz khẳng định gói giải cứu mới nhất này không chỉ có tác động đáng kể đối với người dân mà còn đối với các doanh nghiệp đang phải chứng kiến tình hình tài chính của họ sa sút.
Tại hội nghị các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ở Luxembourg, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cũng tìm cách trấn an những người đồng cấp EU về kế hoạch hỗ trợ quy mô lớn của Đức trong hai năm nhằm bảo vệ người dân trước tác động của giá năng lượng tăng vọt. Ông Christian Lindner khẳng định gói hỗ trợ này phù hợp với quy mô kinh tế Đức.
Mặc dù vậy, kế hoạch của Đức vẫn khiến một số nước thành viên EU lo ngại rằng ngành công nghiệp của họ sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến thị trường chung EU.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã kêu gọi các đối tác nhất trí về một chiến lược chung nhằm ứng phó với cú sốc về giá cả và hạn chế các nước áp dụng chính sách riêng.
Tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) nhận định mặc dù kế hoạch hỗ trợ của Đức sẽ giúp các doanh nghiệp nước này vượt qua khủng hoảng, nhưng cũng đồng thời sẽ gây phân hóa kinh tế và giảm đoàn kết trong nội bộ khối.
Trong khi đó, một số quan chức khác đã nhắc đến sự đoàn kết chưa từng có trong cuộc khủng hoảng COVID-19, khi cả 27 nước thành viên EU nhất trí thông qua kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ euro.
Theo Ủy viên EU phụ trách vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni, cuộc khủng hoảng trước đây đã chứng minh đoàn kết có thể giúp ứng phó hiệu quả với khủng hoảng và trấn an các thị trường tài chính./.