Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan bàn luận về vấn đề kinh tế xanh

Tran Huy
(Tapchivietduc.vn) - Vào ngày 2/11, Diễn đàn Kinh tế Xanh (GEF) 2023 được tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng các đại diện bộ ban ngành khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn GEF.

Tại diễn đàn Kinh tế xanh năm 2023, Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte cho biết: “Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng của Hà Lan. Chúng ta chia sẻ với nhau một quan điểm chung về chiến lược tăng trưởng xanh. Dù kinh tế thế giới đang đối mặt với những khó khăn nhất định, các nhà đầu tư tại Hà Lan luôn sẵn sàng đầu tư vào thị trường Việt Nam về nhiều mặt từ ý tưởng cho đến nguồn vốn, đặc biệt là khu vực ĐBSCL”. Thủ tướng Hà Lan còn chia sẻ thêm rằng tăng trưởng xanh có vai trò vô cùng quan trọng với Việt Nam. Tăng trưởng xanh không chỉ xoay quanh bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững cho kinh tế. Nó tạo ra cơ hội cho các ngành công nghiệp mới, tăng cường hiệu suất sử dụng tài nguyên và cải thiện năng suất lao động. Việt Nam, như nhiều quốc gia khác, cần hợp tác với cộng đồng quốc tế để đảm bảo tăng trưởng xanh. Việc tham gia vào các hiệp định và chương trình hợp tác quốc tế có thể giúp Việt Nam có nguồn tài trợ và kỹ thuật để thực hiện các dự án và chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh.

Sau khi lắng nghe ý kiến từ đối tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp có dự định đầu tư vào Việt Nam, Thủ tướng đã có chỉ đạo ổn định chính trị xã hội, tạo nên đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng, từ đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể an tâm khi tiến tới thị trường Việt Nam.

“Việt Nam có quan điểm phát triển nhanh, phải bền vững không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh để chạy theo tăng trưởng kinh tế. Do đó chúng tôi phải sản xuất xanh, đảm bảo năng lượng xanh để nhà đầu tư phát triển bền vững ở Việt Nam. Cùng với đó, phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế số là hai mặt song song của 1 quá trình. Nhờ sự giúp đỡ của đối tác Hà Lan, Việt Nam đã có một nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới trị giá hàng tỷ đô tại tỉnh Bình Dương. Hiện nhà máy vẫn đang hoạt động hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn GEF.

Theo định hướng của Chính Phủ, Việt Nam sẽ sử dụng đầu tư công để dẫn dắt khu vực kinh tế tư nhân. Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ sử dụng tài nguyên, ứng dụng khoa học công nghệ xanh vào trong sản xuất. Đặc biệt, Việt Nam cũng sẽ chú ý sửa đổi cách quản lý và sử dụng nguồn lực ODA để thuận lợi và minh bạch hơn.

Năm nay, Diễn đàn tập trung vào việc đề cập đến các kiến thức thực tế và những nghiên cứu điển hình từ những người tiên phong về phát triển bền vững. Các hội thảo chuyên sâu và phiên chuyên đề sẽ tập trung vào các chủ đề quan trọng như năng lượng tái tạo, tài chính xanh, giảm phát thải carbon và nông nghiệp bền vững.

Theo Eurocham, Diễn đàn kinh tế xanh đại diện cho sự hợp tác không ngừng giữa châu Âu và Việt Nam. Châu Âu đang dẫn đầu trong chuyển đổi xanh cũng như công nghệ xanh, và họ hy vọng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xanh hoá nền kinh tế, đồng thời tăng cường khả năng đối phó với biến đổi khí hậu, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi ở Việt Nam.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn, dự kiến tiết kiệm được 600 triệu euro cho các doanh nghiệp đến năm 2030, tương đương 8% tổng doanh thu của họ, và tạo ra 600 nghìn việc làm. Đây là những cơ hội và lợi ích kinh tế quan trọng cho cả xã hội và các doanh nghiệp tiên phong tham gia quá trình chuyển đổi.

Trần Mai Hương