Thủ tướng đánh giá cao hoạt động đầu tư vào khu vực tư nhân ở Việt Nam, hoan nghênh KKR có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khẳng định các trọng tâm đầu tư của KKR cũng là ưu tiên của Việt Nam.
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc, sáng 16/5 (theo giờ địa phương), tại thành phố New York, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Joseph Bae, Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư Kohlberg Kravis Robert (KKR); tiếp ông Al Kelly, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VISA; điện đàm với Phó Tổng Giám đốc IMF.
Trong cuộc tiếp Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR) - ông Joseph Bae, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo quỹ này trao đổi về những kinh nghiệm hoạt động, các góp ý, đề xuất với phía Việt Nam.
Ông Joseph Bae cho biết quỹ mong muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, hạ tầng, chuyển đổi số, lương thực, hàng tiêu dùng, công nghệ… tại Việt Nam.
KKR là công ty đầu tư toàn cầu của Hoa Kỳ, một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới, có 33 văn phòng trên toàn cầu, đã hoàn thành hơn 280 khoản đầu tư vào các công ty với tổng giá trị 545 tỷ USD, tổng tài sản công ty khoảng 470 tỷ USD. KKR đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào 3 công ty của Việt Nam.
Ông Bae đánh giá Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn với các nhà đầu tư với các chính sách tạo thuận lợi của Chính phủ, vị trí địa lý quan trọng, dân số trẻ và năng động. Việt Nam là điểm đến của nhiều dịch vụ giá trị gia tăng trên thế giới và khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn những đánh giá tốt đẹp và sự hiểu biết của KKR về Việt Nam, đánh giá cao hoạt động đầu tư vào khu vực tư nhân ở Việt Nam, hoan nghênh KKR có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đánh giá các trọng tâm đầu tư của KKR cũng là những ưu tiên của Việt Nam.
Thông báo một số nét lớn về tình hình kinh tế xã hội, kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết năm 2021, Việt Nam thu hút được khoảng 1,3 tỷ USD cho các hoạt động khởi nghiệp, lớn nhất từ trước tới nay, bất chấp bối cảnh dịch bệnh.
Theo đề nghị của Thủ tướng, lãnh đạo KKR trao đổi thêm về cách thức, kinh nghiệm thúc đẩy đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng năng lượng, chuyển đổi số, hạ tầng y tế… Việc phát triển các lĩnh vực này cần các hoạt động hợp tác đối tác công tư mạnh mẽ, đòi hỏi khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm, nâng cao hiệu quả thị trường vốn, nâng cao năng lực quản lý các dự án, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm toàn cầu, duy trì sự đối thoại thường xuyên giữa các cơ quan chức năng với khu vực tư nhân. Ông cũng cho rằng quan hệ hợp tác toàn diện giữa Chính phủ hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư.
Ghi nhận các ý kiến này, Thủ tướng đề nghị KKR hỗ trợ về tư vấn chính sách, các vấn đề kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực… tăng cường sự hiện diện với một văn phòng xứng tầm tại Việt Nam để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, với các thủ tục đơn giản; đề nghị KKR và các bộ, ngành liên quan trao đổi cụ thể hơn về các nội dung hợp tác.
Tiếp đó, Thủ tướng đã tiếp ông Alfred Kelly, Chủ tịch và Giám đốc điều hành VISA cùng một số CEO tài chính của Hoa Kỳ từ các tập đoàn Citigroup, Standard & Poor…
VISA là tập đoàn hàng đầu thế giới về thanh toán kỹ thuật số, hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp, tổ chức tài chính và các cơ quan chính phủ trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện các giao dịch, chuyển tiền điện tử trên khắp thế giới, phổ biến nhất là thông qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ trả trước mang thương hiệu Visa. Hiện nay, VISA có 21.500 nhân viên trên toàn cầu; doanh thu năm 2021 đạt 24,1 tỷ USD và lợi nhuận đạt 12,31 tỷ USD.
Visa đã hoạt động tại Việt Nam hơn 20 năm và đang tiếp tục đầu tư vào việc phát triển và áp dụng thanh toán trực tuyến tại Việt Nam. Thẻ Visa lần đầu tiên được các nhà bán lẻ chấp nhận vào năm 1995 và thẻ tín dụng Visa đầu tiên được ra mắt tại Việt Nam hai năm sau đó.
Lãnh đạo VISA bày tỏ ấn tượng với sự phát triển năng động của Việt Nam, chúc mừng Việt Nam tổ chức SEA Games 31, gửi tín hiệu rất tích cực về một Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi và mở cửa. VISA đánh giá cao kế hoạch và sự phát triển của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng từ 8% năm 2020 lên đến 28% trong năm nay, tức gấp hơn 3 lần.
VISA tin rằng Chính phủ Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đã đặt ra vào năm 2027.
VISA đang mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng và đổi mới trong lĩnh vực tài chính, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận thanh toán không dùng tiền mặt; chia sẻ kế hoạch đầu tư kinh doanh trong thời gian tới tại Việt Nam; trao đổi về cơ hội để Visa tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, trong đó có hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, xây dựng thành phố thông minh, di chuyển thông minh… tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự hiện diện của VISA tại thị trường Việt Nam trong hơn 20 năm qua, ngay từ sau khi Việt Nam-Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, góp phần thúc đẩy và phát triển hoạt động thanh toán thẻ tại Việt Nam. Thủ tướng mong muốn Tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư, nghiên cứu các sản phẩm mới, tăng cường hợp tác với các ngân hàng thương mại, tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số, phát triển hệ thống tài chính Việt Nam ổn định, bền vững.
Thủ tướng hoan nghênh và ủng hộ kế hoạch hợp tác của VISA với Chính phủ Việt Nam trong đổi mới lĩnh vực tài chính và mở rộng khả năng tiếp cận thanh toán không dùng tiền mặt. Vừa qua, Việt Nam đã xây dựng và phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Đề nghị Tập đoàn phối hợp và trao đổi chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tham gia hỗ trợ triển khai các hoạt động và nhiệm vụ đã được phê duyệt tại Đề án, hướng tới đạt được các mục tiêu đã đề ra sớm hơn kế hoạch. Điều này phù hợp với chương trình chuyển đổi số của Việt Nam, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, chống thất thu thuế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, du khách…
Cũng tại buổi tiếp, Thủ tướng cho biết hiện Việt Nam đang rất quyết liệt xử lý các sai phạm để phát triển thị trường vốn phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững; đề nghị S&P hỗ trợ trong việc xếp hạng tín nhiệm với các doanh nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng cũng trao đổi với lãnh đạo Citigroup về khả năng đẩy mạnh hợp tác thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thị trường vốn, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng…
Điện đàm với bà Antoinette Monsio Sayeh - Phó Tổng Giám đốc IMF, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đánh giá cao IMF đã hỗ trợ tiếp cận vaccine, tài chính, khuyến nghị tư vấn cho Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 và Việt Nam đang sử dụng hiệu quả, đúng mục đích; có các hỗ trợ, tư vấn cho Chính phủ Việt Nam trong suốt quá trình phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam trong xây dựng, hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, đặc biệt là ổn định chính sách tiền tệ. Thủ tướng đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ của IMF đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng chính sách của Việt Nam.
Thủ tướng cho biết nhờ phòng chống dịch hiệu quả, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu ban đầu trong quá trình phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch. Trong đó, tăng trưởng kinh tế quý 1/2022 đạt 5%, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, thị trường lao động được phục hồi. Việt Nam đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời triển khai gói hỗ trợ trị giá khoảng 4% GDP, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; đảm bảo an sinh xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau; hỗ trợ về thuế, phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; phát triển hạ tầng để vừa tạo ra công ăn việc làm, vừa tạo ra tăng trưởng kinh tế và phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Do đó, đề nghị IMF hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả chương trình này.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị IMF tư vấn, khuyến nghị chính sách và hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực giúp Chính phủ Việt Nam hoạch định và triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030); đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội, hướng tới mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Trước mắt, đề nghị IMF hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam trong đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển thị trường vốn minh bạch, bền vững; kiểm soát lạm phát; phát triển logistics, giảm phí vận tải; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số; đa dạng hóa chuỗi cung ứng; chống biến đổi khí hậu; chuyển đổi năng lượng...
Về phần mình, Phó Tổng giám đốc IMF chúc mừng Việt Nam đã rất thành công trong phòng chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; vui mừng về mối quan hệ đối tác tốt đẹp giữa Việt Nam-IMF; khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác tốt của IMF.
Bà Antoinette Monsio Sayeh cho biết, IMF sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam theo các đề nghị của Thủ tướng, trong đó sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tư vấn xây dựng chính sách; mong muốn được thăm, làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng của Việt Nam để có các chương trình cụ thể./.