Thúc đẩy các chính sách phù hợp thực tiễn cho sản xuất, kinh doanh giống cây trồng

Mai Xuân Bắc
(Tapchivietduc.vn) - Sáng 26/12, dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Trồng trọt và Văn phòng Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam”.
quang-canh-dien-dan-pld-1703566270.jpg
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Hoàng Anh

Giống cây trồng đóng vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp

Giống có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng. Có được nguồn giống tốt thì cây trồng có được khởi đầu tốt. Tuy nhiên, hiện nay một số vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng tới hệ thống giống ở nước ta. Với mong muốn giải quyết những vấn đề này, Diễn đàn được tổ chức nhằm truyền thông, phổ biến rộng rãi các giải pháp kiểm soát giống cây trồng để phát triển bền vững ngành trồng trọt Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt nói, sau khi Luật Trồng trọt ra đời, chúng ta đã có những thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, đối với giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành. Đây là bước thay đổi rất quan trọng, tuy nhiên điều này cũng là vấn đề khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp chưa kịp thích nghi. Trong việc chuyển đổi như vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa lường trước được những thay đổi.

ong-nguyen-nhu-cuong-pld-1703566270.jpg
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Anh

Sau 3 năm thực hiện Luật Trồng trọt vẫn có một số vướng mắc, tuy nhiên, nhìn chung Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt đã có những hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời. Chưa khi nào để xảy ra trường hợp khan hiếm giống, thiếu giống, nhất là các giống lúa. Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã có những giống thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với từng vùng miền.

"Từ phương thức quản lý cũ, chúng ta chuyển sang phương thức quản lý mới, vì thế cũng còn những vấn đề chưa thích ứng được, có những trục trặc, tuy nhiên về cơ bản trong những năm vừa qua Luật Trồng trọt đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Thời gian tới Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt sẽ tiếp tục rà soát sửa đổi những cái chưa phù hợp trong Luật trồng trọt. Hiện nay Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ việc sửa đổi trong năm 2024" - ông Cường nói.

Tham luận tại Diễn đàn, ông Trần Xuân Định (Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam) khẳng định: trong bối cảnh dịch bệnh, xung đột chính trị, nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua vẫn là trụ cột. Để có nền tảng này, giống cây trồng là yếu tố đầu vào có ý nghĩa quan trọng làm nên một nền nông nghiệp bền vững.

Trong nông nghiệp, trồng trọt đóng góp 71,5% GDP và xấp xỉ 45% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, trong tổng giá trị xuất khẩu hơn trên 53 tỷ USD của nông lâm thủy sản. Năm 2022, trồng trọt có tới 5 ngành hàng chủ lực gồm: gạo, cà phê, điều, cao su và rau quả có giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD. Kết quả của lĩnh vực trồng trọt góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo ra nhiều việc làm cho người dân, từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực và chính trị, xã hội ở nước ta.

Tốc độ tăng trưởng trên 1ha đất trồng trọt qua các năm vẫn duy trì trên dưới 2%/năm, tính giá trị đạt trên 100 triệu đồng/ha; chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Vướng mắc trong đăng ký, công nhận giống cây trồng mang tính trạng cải tiến

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Đặng Ngọc Chi, đại diện CropLife Việt Nam, đã nêu những vướng mắc về pháp lý và kỹ thuật đối với quy trình đăng ký và công nhận giống cây trồng mang tính trạng cải tiến tại Việt Nam.

Theo đó, Luật Trồng trọt (Điều 19, khoản 7) và Nghị Định 94 (Điều 12, khoản 3) cho phép, hướng dẫn khảo nghiệm, đăng ký giống cây trồng biến đổi gen sau khi được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Như vậy, giống biến đổi gen được xem xét đăng ký và lưu hành như một giống cây trồng mới.

Tuy nhiên, các hướng dẫn khảo nghiệm VCU và DUS hiện thiếu chỉ tiêu và phương pháp đánh giá công nhận các tính trạng cải tiến như kháng sâu, chống chịu thuốc BVTV, chống chịu căng thẳng phi sinh học, kháng bệnh... Dẫn tới thiếu công cụ xác định tính khác biệt (đặc tính kháng) giữa giống mang tính trạng biến đổi gen với giống nền thường. Bên cạnh đó, không thể đăng ký đồng thời giống nền và giống biến đổi gen với tính trạng cải tiến.

Trên cơ sở đó, bà Đặng Ngọc Chi đề xuất: Bổ sung chỉ tiêu và phương pháp đánh giá, công nhận đối với các tính trạng cải tiến (kháng sâu, kháng bệnh, chống chịu thuốc BVTV và chống chịu căng thẳng phi sinh học...) vào hai tiêu chuẩn DUS (TCVN 13382-2:2021) và VCU (TCVN 13381-2:2021) đối với cây ngô.

Cân nhắc điều chỉnh yêu cầu về năng suất trong tiêu chí công nhận từ 10% xuống 5% trong tiêu chuẩn VCU đối với cây ngô (TCVN 13381-2:2021).

Những hệ lụy khi kinh doanh giống cây trồng trên môi trường mạng

Theo ông Trần Xuân Định, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, xu hướng kinh doanh giống cây trên mạng là tất yếu nhưng đưa lại nhiều hậu quả, hệ lụy.

ong-tran-xuan-dinh-pld-1703566270.jpg
Ông Trần Xuân Định, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam. Ảnh: BTC

Một số cá nhân, nhóm lừa đảo đã tổ chức giới thiệu và quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… các giống cây trồng mới, quả to, màu sắc đẹp, hấp dẫn, ship hàng đến tận nhà cho nông dân. Các giống lúa bán chạy, giống tốt được nông dân ưa chuộng, các thương hiệu lớn như ThaiBinh Seed, Vinaseed… bị các đối tượng mạo danh, bán giống giả qua mạng, bán theo kiểu “đa cấp”. Phần lớn những nông dân vùng xa, vùng sâu, vùng mà hệ thống bán lẻ, phân phối của các công ty chưa vươn tới trở thành nạn nhân.

Sản xuất, kinh doanh giống là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định khá chặt ở các văn bản luật và hướng dẫn luật; tuy nhiên hình thức bán qua mạng thì chưa có những quy định cụ thể và chế tài, đó là kẽ hở và cái khó cho công tác quản lý với giống cây trồng nói riêng và nhiều hoạt động thương mại khác nói chung.

Những hạn chế, thách thức và cơ hội của ngành giống cây trồng nông nghiệp Việt Nam, theo ông Định, hệ thống sản xuất giống tuy nhiều nhưng năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực của sản xuất hàng hóa, hướng xuất khẩu. Khâu yếu nhất của Việt Nam với ngành hàng hạt giống đó là giống rau, hoa. Hiện chúng ta phải nhập trên dưới 90% hạt giống loại này với giá trị vài chục triệu USD, mặc dù chúng ta có những vùng khí hậu (vùng núi cao phía Bắc, Đà Lạt) có thể sản xuất được hạt giống các loại rau cận ôn đới.

Thay mặt Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, ông Định đưa ra 5 kiến nghị: Sửa Luật Trồng trọt và các nghị định, thông tư hướng dẫn để khả thi hơn, thực tế hơn tránh tình trạng mâu thuẫn nhau giữa các luật; có văn bản giải quyết các vướng mắc về tên giống tự công bố lưu hành với một loạt tên các giống rau, hoa của một số đơn vị đã phản ánh, gồm cả các trường hợp đã được bảo hộ tên hoặc nhãn hiệu hàng hóa nhưng bị đơn vị đăng ký trước “chộp” mất. Đề nghị sửa nhanh TCVN về khảo nghiệm giống ngô như Công văn số 22 (ngày 6/12/2023) của Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam đã kiến nghị.

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 150 đại biểu dự trực tiếp và khoảng gần 200 đại biểu dự trực tuyến đến từ các đơn vị: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Vụ Pháp chế; Văn phòng SPS Việt Nam; Đại diện Sở NN-PTNT; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản; Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã… và đại diện của hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương…

Hoàng Anh