Thúc đẩy kinh tế ban đêm

Vũ Xuân Kiên
Phát triển kinh tế ban đêm sẽ tạo thêm động lực cho du lịch, tiêu dùng và đầu tư, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
kinh-te-dem-1703649901.jpg
Phố Tạ Hiện - một điểm ăn và chơi về đêm, thu hút đông du khách của Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt)

Mô hình kinh tế ban đêm đã được áp dụng ở Việt Nam từ tháng 7/2020, với kỳ vọng tạo ra bước chuyển lớn cho ngành du lịch, dịch vụ, tạo động lực mới cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19.

Hiệu quả chưa cao

Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam (Đề án) được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020, cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số địa phương có đông khách du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc.

Trong báo cáo đánh giá tình hình, kết quả ba năm thực hiện Đề án, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định việc phát triển mô hình kinh tế ban đêm tại Việt Nam đã có nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể: nhận thức của các bộ, ngành, địa phương về chủ trương, quan điểm, mục tiêu và các giải pháp phát triển kinh tế ban đêm có những chuyển biến.

Các kế hoạch hành động, tài liệu nghiên cứu, nội dung truyền thông đều đồng thuận với khái niệm kinh tế ban đêm gắn với khung thời gian từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Một số địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế ban đêm và có những nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế bổ sung liên quan đến kinh tế ban đêm, nhất là kinh nghiệm mới của các nước trong giai đoạn dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết một số địa phương đã lồng ghép các nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và cân nhắc đưa các nội dung liên quan vào quy hoạch.

Đơn cử, Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa có đề cập việc chú trọng phát triển các loại hình trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng chuyên doanh, trung tâm hội chợ triển lãm, phát triển các đường phố thương mại hiện đại và mang bản sắc văn hóa kinh doanh truyền thống tại các đô thị. Các địa phương khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam)… đã quy hoạch và bố trí không gian cụ thể để phát triển kinh tế ban đêm.

Tuy nhiên, việc hiện thực hóa các mục tiêu, chính sách phát triển kinh tế ban đêm trong ba năm qua còn không ít vấn đề tồn tại, hạn chế. Dễ nhận thấy nhất là các hoạt động kinh tế ban đêm còn thiếu đa dạng, thiếu đặc thù và thiếu sáng tạo, chủ yếu dừng ở các hoạt động ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật, phố đi bộ, chợ đêm...

Bên cạnh đó, việc nhìn nhận và xử lý các rủi ro an toàn, an ninh, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với kinh tế ban đêm còn không ít bất cập. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã phục hồi nhưng vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch. Thực tế này cho thấy hiệu quả của các hoạt động kinh tế ban đêm đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn khiêm tốn so với tiềm năng.

Tháo gỡ vướng mắc về pháp luật

Sau ba năm phát triển, kinh tế ban đêm vẫn là nội dung tương đối mới ở Việt Nam, chưa có một nghiên cứu đủ khoa học, toàn diện và cập nhật trên cơ sở định lượng về khả năng phát triển mô hình này. TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng muốn thúc đẩy kinh tế ban đêm phát triển, cần có thống kê về các chỉ tiêu cụ thể như số lượng khách, mức chi tiêu của du khách đến với các điểm du lịch ban đêm, mức độ tham gia của thế hệ trẻ (gen Z)…

Cũng cần đánh giá những mặt hạn chế trong thực tiễn phát triển kinh tế ban đêm, nhất là tình hình an ninh trật tự để có cách tuyên truyền, thiết kế các quy định thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm phù hợp hơn với tình hình thực tiễn ở các địa phương. Theo các doanh nghiệp lữ hành, kinh tế ban đêm là một mô hình hiệu quả trong việc giữ chân khách du lịch đến Việt Nam.

Phát triển kinh tế ban đêm không chỉ tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương mà còn đóng góp đáng kể ngân sách cho Nhà nước, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động của các ngành nghề liên quan đến hoạt động dịch vụ. Trong bối cảnh cần những tư duy mới, phát triển kinh tế ban đêm là cách tiếp cận mới, mô hình kinh tế mới để tạo động lực cho phục hồi và phát triển bền vững khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành du lịch. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch hợp lý cho nên hoạt động của các mô hình này chưa hiệu quả.

Để kinh tế ban đêm trở thành động lực mới trong quá trình phục hồi ngành du lịch, dịch vụ, ông Nguyễn Anh Dương đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức thực hiện sớm, đầy đủ, thực chất và hiệu quả đối với các nhiệm vụ được giao tại Đề án; tiếp tục nâng cao nhận thức, tư duy của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và người dân thông qua các mô hình, hoạt động cụ thể, sáng tạo gắn với bối cảnh và các nền tảng, công cụ mới.

Đây là nội dung cần chú ý vì hiện nay, mức độ tương tác giữa mô hình kinh tế ban đêm với các mô hình kinh tế mới còn hạn chế. Đơn cử, việc ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế ban đêm chưa có nhiều đổi mới; nền tảng chiếu phim theo nhu cầu chưa có tiếp cận chính sách theo khung giờ và nhóm khách hàng phù hợp. CIEM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao một đồng chí lãnh đạo Chính phủ chủ trì thực hiện tổng rà soát các quy định pháp luật liên quan. Trên cơ sở đó tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo trong các quy định và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm một cách có hiệu quả.