Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – Vị tướng tâm, tài, đức

Tran Huy
(Tapchivietduc.vn) - Là một vị tướng tài ba trải qua rất nhiều trận đánh lớn nhỏ, đã kinh qua trận mạc, chứng kiến được sự tàn khốc và những hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại, Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có nhiều chia sẻ sâu sắc với phóng viên Tạp chí điện tử Việt – Đức

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, sinh năm 1947 tại xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Mảnh đất địa linh nhân kiệt, thời nào cũng có những nhân tài, anh hùng kiệt xuất. Con người Nam Định cần cù, chịu khó, hiếu học, thân thiện và giản dị. Dù đã qua bao dòng chảy của thời gian, nhưng nơi đây vẫn giữ được nguyên vẹn các di tích văn hóa mang đậm cảnh sắc dân tộc. Cùng với thiên nhiên tuyệt sắc đã tạo nên một bức tranh hài hòa đa sắc màu khiến ta khó quên.

                

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - Nguyên Uỷ viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam ( 1998 - 2011), nguyên Phó tổng tham mưu trưởng (1995 -1998)

Miệt mài nghiên cứu

Sau khi đã hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ, năm 2011, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu về hưu ở tuổi 64. Trước đó, năm 2010, Thượng tướng đã được Nga trao tặng bằng Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học - Quân sự và có văn phòng làm việc, nghiên cứu hiện vẫn đang hoạt động tại Trấn Vũ – Trúc Bạch – Ba Đình – Hà Nội. Thượng tướng tập trung tâm huyết nghiên cứu 3 vấn đề chính: Nghệ thuật chiến tranh, môi trường và vấn đề nhân đạo.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Việt - Đức những vấn đề nghiên cứu của ông

Đối với nghiên cứu về nghệ thuật chiến tranh,Thượng tướng chia sẻ đó là việc nghiên cứu cách đánh của Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai, cách đánh như thế nào để chiến thắng. Chia sẻ sâu hơn về chiến tranh trong tương lai, Thượng tướng cho biết cần chú tâm 3 vấn đề để nghiên cứu khoa học quốc phòng là: "Chiến tranh không gian vũ trụ, chiến tranh không gian mạng và chiến tranh sinh học". Thượng tướng cho biết, qua thực tiễn xã hội cũng như tình hình an ninh quốc phòng trong nước và quốc tế thì có rất nhiều vấn đề cần đặt ra để ông tiếp tục nghiên cứu.

Về vấn đề môi trường, như chúng ta đã biết môi trường là một vấn đề nóng của toàn cầu và Việt Nam thì không nằm ngoài vấn đề đó. Thượng tướng chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên tại Hải Hậu, Nam Định, sớm đã gắn bó với biển cả mặn mòi, trực tiếp chứng kiến và chịu ảnh hưởng của thiên tai khắc nghiệt. Từ khi còn nhỏ, ông đã đi cùng bố để khắc phục hậu quả thiên tai. Sau khi đến độ tuổi trưởng thành, thời ấy thay vì đi bộ đội Hải Quân như các bạn bè đồng trang lứa, Thượng tướng lại mang trong mình nguyên vọng làm quân giải phóng, giải phóng miền Nam ruột thịt. Năm 17 tuổi, Thượng tướng đã viết đơn tình nguyện đi làm quân giải phóng miền Nam, Việt Nam và đến năm 18 tuổi thì được chấp thuận gọi nhập ngũ. Thượng tướng đã có một cơ duyên đặc biệt khi đã gắn bó với chiến tranh tại Quảng Trị 10 năm, chứng kiến những cánh rừng xanh cao lớn, bạt ngàn đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Trong thâm tâm Thượng tướng mong muốn có thể làm điều gì đó để tái tạo lại màu xanh, trả lại môi trường trong lành cho Quảng Trị. May mắn vào năm 1977, Thượng tướng có cơ hội đến Ấn Độ thăm công trình cách mạng xanh và được tặng một cây đa. Từ đó, Thượng tướng đã phát động chiến dịch “màu xanh đồng bằng”. Bấy giờ là năm 1980, Thượng tướng đang giữ chức vụ Sư trưởng và đã phát động trồng 600 ha rừng. Tiếp tục, Thượng tướng nuôi hy vọng đưa màu xanh vào trong Quảng Trị, tái tạo lại toàn bộ Quảng Trị, phủ xanh đất trống đồi trọc. Chiến dịch màu xanh đồng bằng không chỉ được thực hiện ở Quảng Trị mà còn được Thượng tướng mở rộng ở 7 tỉnh đồng bằng.

Một cơ duyên nữa thôi thúc Thượng tướng tiếp tục nghiên cứu về vấn đề môi trường là khi Ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách Thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn trong 7 năm. Được khắc phục thiên tai khắc nghiệt ở miền Trung và ông đã đề xuất phương châm "4 tai chỗ" trong phòng chống thiên tai. Đến hiện tại đã trở thành phương châm chính thức. Thượng tướng cũng đã có cơ hội đi các nước để nghiên cứu và xử lý sự cố thiên tai với tư cách là chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Thượng tướng còn có 9 năm phụ trách trung tâm nhiệt đới Việt Nga. Nghiên cứu về 3 hướng: độ bền nhiệt đới – trang thiết bị đưa về vùng nhiệt đới thì xử lý như thế nào để kéo dài; y sinh nhiệt đới – các bệnh về nhiệt đới; sinh thái nhiệt đới - hậu quả chiến tranh và biến đổi khí hậu. Cho đến hiện tại, Thượng tướng vẫn giữ thói quen đi đến đâu trên dải đất Việt Nam đều trồng cây xanh như một dấu ấn về bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Tính đến nay đã có 367 cây khắc tên Thượng tướng trên khắp mọi miền tổ quốc.

Cuối cùng là nghiên cứu về vấn đề nhân đạo. Chứng kiến được sự hủy hoại của bom đạn và hóa chất độc hại không chỉ với thiên nhiên, môi trường mà còn với chính nhân dân ta và hậu quả ấy vẫn còn cho đến ngày hôm nay. Thượng tướng đã trực tiếp chỉ đạo gần 10 năm đối ngoại quốc phòng Việt Nam và khắc phục hậu quả Dioxin ở sân bay Đà Nẵng, sân bay Phủ Cát. Và 10 năm chỉ đạo đối ngoại quốc phòng Việt Nam, đấu tranh để bảo đảm Mỹ phải thực hiện chức năng nhân đạo, giải quyết vấn đề này. Tham gia ngoại giao tìm kiếm người Việt và người Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Đam mê đọc và viết sách

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ một số cuốn sách với ông Nguyễn Xuân Hải - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Việt - Đức ( bên phải), ông Lê Quang Vinh và ông Trần Đăng Sinh ( bên trái)- Ban đầu tư bạn đọc Tạp chí Việt - Đức

Có một câu nói rất ấn tượng của Thượng tướng là: “Tôi không có tài sản gì, tôi chỉ có những cuốn sách”. Thượng tướng đã có những chia sẻ về cơ duyên cũng như niềm đam mê đặc biệt đối với đọc và viết sách. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Thượng tướng đã có một tình yêu đặc biệt với sách, say mê đọc sách. Đọc quyển sách “ Nhớ lại và suy nghĩ” của G.K.Zhukov – một vị tướng tài của Nga đã để lại cho Thượng tướng ấn tượng về cái nhìn sâu rộng, thấu đáo về cuộc sống của ông . Thượng tướng cũng có niềm yêu thích với các tác phẩm của Nguyễn Du và sau này là nhà thơ Tố Hữu. Cho đến lúc trưởng thành, với niềm đam mê với sách, Thượng tướng bắt đầu viết sách, trải qua rất nhiều khó khăn, viết sách và phải nhờ người biên tập, bản thân tự biên tập thì rất khó. Yêu cầu của một cuốn sách rất cao, phải viết chân thực, đúng sự thật. Thượng tướng chia sẻ chân thành: “ Những cuốn sách của tôi – do tôi viết hay do các nhà văn, nhà báo viết về mình chưa hẳn là hay nhưng ít nhất ở một chừng mực nào đó, có nhiều thông tin bổ ích và cần thiết, người ta có thể tra cứu”. Việc chú trọng ngoại hình của một người thì không có gì là sai, tuy nhiên không nên chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài mà hãy chú trọng bồi dưỡng tâm hồn, trau dồi tri thức, chính vì thế hãy đọc sách.

Nhận định về kinh tế và hội nhập

Chia sẻ quan điểm về vấn đề đầu tư nước ngoài vào nước ta, đặc biệt là đầu tư của nước Đức vào Việt Nam. Thượng tướng cho rằng cần đặc biệt chú trọng đầu tư về khoa học công nghệ, tất cả những tiến bộ của thế giới thì chúng ta nên chọn lọc và đầu tư công nghệ tiên tiến nhất để đưa vào Việt Nam. Từ những đầu tư đó ta phải ứng dụng một cách phù hợp với hoàn cảnh điều kiện của người Việt Nam. Chính vì thế rất cần tư duy sáng tạo, biết học hỏi và chắt lọc của người Việt Nam. Sau đó là nên kêu gọi đầu tư vào Kinh tế, đất nước phải giàu có, mạnh về kinh tế mới có thể giữ vững được an ninh quốc phòng. Phải hội nhập đúng với phương châm của Việt Nam: “ Việt Nam sẵn sang làm bạn, đối tác tin cậy, có trách nghiệm của cộng đồng quốc tế”. Phải đặt lợi ích của tổ quốc, nhân dân, lợi ích quốc gia lên trên hết, giữ vững nền độc lập, dân giàu thì nước mới mạnh.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trạo tặng Tạp chí điện tử Việt - Đức cuốn sách " Một thời Quảng Trị" và cuốn sách " Những khoảnh khắc của thời gian"

Để giữ vững và duy trì nền độc lập cũng như xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, Thượng tướng có lời khuyên đến thế hệ trẻ, thế hệ tương lai Việt Nam. Chúng ta đang trong công cuộc hội nhập và phát triển khoa học công nghệ, phải làm chủ được khoa học công nghệ và làm chủ được bản thân theo định hướng của Đảng và nhà nước một cách sáng tạo, tiếp thu tinh hoa nhân loại nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc, xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn. Đặc biệt quan tâm đến văn hóa, văn hóa còn là dân tộc còn. Văn hóa của người Việt Nam là sự kế thừa của rất nhiều triều đại, giới trẻ cần kế thừa và phát huy một cách sáng tạo, phù hợp với sự phát triển hiện tại. Phải làm chủ được bản thân và khoa học công nghệ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động hội nhập, học hỏi sự tiến bộ và tinh hoa của các nước khác một cách có chọn lọc để vận dụng vào Việt Nam cho phù hợp.

Bảo Thơ