Tín hiệu tích cực về tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Tran Huy
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 3,1% nhờ khả năng phục hồi bất ngờ ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Mức dự báo mới cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của IMF vào tháng 10/2023. Bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ bớt ảm đạm với những điểm sáng tích cực, song vẫn tiềm ẩn những rủi ro và cần các quyết sách thận trọng từ các ngân hàng trung ương.

Điểm sáng trong bức tranh ảm đạm

Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới (WEO) mới nhất của IMF nhận định, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý, nhờ lạm phát giảm đều và tăng trưởng ổn định.

Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đều có những cải thiện đáng kể về triển vọng tăng trưởng năm 2024. IMF dự báo, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1%, giảm nhẹ so với mức 2,5% của năm 2023.

Những nhận định này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục đón nhận những tin tức tích cực trong vài ngày qua. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,3%, cao hơn nhiều so với dự báo.

Trong khi đó, Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) chỉ tăng 2,9% trên cơ sở hằng năm, thấp hơn so với dự báo.

Đáng chú ý, trong các chỉ số lạm phát, giá hàng hóa giảm 0,2%, còn giá dịch vụ tăng 0,3%, đảo ngược xu hướng khi lạm phát bắt đầu tăng vọt, cho thấy nhu cầu về hàng hóa và chuỗi cung ứng sau đại dịch đang dần trở lại trạng thái bình thường.

Theo các chuyên gia, một năm tăng trưởng vững chắc nữa có thể sẽ giúp nền kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm" và các hành động chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ đưa lạm phát về mục tiêu 2% mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Triển vọng này sẽ giúp nền kinh tế đi đúng hướng và phát triển hơn nữa ngay cả khi không có được sự hỗ trợ từ các nguồn tăng trưởng khác như đầu tư kinh doanh, xây dựng nhà ở hoặc ngoại thương.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà đạt tăng trưởng 4,6% trong năm 2024, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước, mặc dù tốc độ này thấp hơn mức 5,2% của năm 2023.

Ấn Độ tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu, được dự báo sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay - tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 10/2023.

IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng cho Nga, Iran và Brazil. Theo IMF, lạm phát chung không thay đổi, ở mức 5,8% trong năm 2024, nhưng có sự thay đổi cơ bản đáng kể giữa các nước giàu và nghèo hơn.

Cụ thể, lạm phát ở các nền kinh tế phát triển dự báo là 2,6% năm 2024, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10/2023, trong khi lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến sẽ đạt 8,1%, tăng 0,3 điểm phần trăm.

Nguyên nhân chính của sự gia tăng này là do vấn đề ở Argentina, nơi giá tiêu dùng tăng hơn 200% vào năm 2023 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas cảnh báo, dù khả năng hạ cánh mềm đã tăng lên, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chậm và rủi ro. IMF dự báo trong năm 2024 và 2025 tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn ở dưới mức trung bình lịch sử gần đây là 3,8% do tác động liên tục của lãi suất tăng cao, việc chính phủ ngừng hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19 và tình trạng năng suất thấp kéo dài. Trong các nền kinh tế thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7), tăng trưởng ở các nước châu Âu vẫn yếu.

Châu Âu tiếp tục phủ bóng đen lên triển vọng toàn cầu, trong đó IMF nhấn mạnh sự tăng trưởng chậm lại đáng chú ý ở khu vực Eurozone.

Đức một lần nữa được coi là nền kinh tế G7 tăng trưởng chậm nhất, chỉ đạt 0,5% trong năm nay. Anh, Pháp và Italia có thể đạt tăng trưởng 1% hoặc ít hơn năm nay, trong khi nền kinh tế Tây Ban Nha được dự báo sẽ tốt hơn một chút với dự báo 1,5%.

Tăng trưởng của Eurozone chững lại chủ yếu do Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, giảm 0,3% trong quý IV/2023. Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của Eurozone, ghi nhận tăng trưởng 0% trong hai quý cuối năm 2023, trong khi Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực, chỉ tăng 0,2% trong quý IV. Kinh tế Ireland ghi nhận giảm 0,7%, mức sụt giảm mạnh nhất trong quý cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, kinh tế Eurozone hứng chịu nhiều yếu tố bất lợi, như lãi suất tăng cao, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến chi tiêu của các hộ gia đình giảm, nhu cầu của thế giới suy yếu, và có thể sẽ tiếp tục trì trệ trong thời gian tới.

Việc Eurozone tránh được một cuộc suy thoái kỹ thuật chỉ mang tính "ngữ nghĩa". Thực tế, tăng trưởng GDP của khu vực đã chững lại kể từ quý III/2023 khi giá khí đốt tăng vọt và Ngân hàng trung ương châu Âu bắt đầu tăng lãi suất.

Theo IMF, tốc độ tăng trưởng ảm đạm của Eurozone phản ánh tâm lý tiêu dùng yếu kém, tác động kéo dài của giá năng lượng cao, cũng như sự yếu kém trong đầu tư kinh doanh và lãi suất cao ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất. Giới chuyên gia nhận định, kinh tế Eurozone sẽ duy trì xu hướng đi ngang trong nửa đầu năm nay do chính sách siết chặt tiền tệ trước đây tiếp tục gây tác động và chính sách tài chính hạn chế hơn.

Vẫn còn những rủi ro

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu sẽ gặp rủi ro lớn hơn nếu các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất quá sớm.

Tuy nhiên, bà Georgieva cũng cảnh báo không nên thắt chặt nếu không cần thiết. Bà kêu gọi các ngân hàng cần hành động dựa trên dữ liệu thực tế. Lời cảnh báo này được đưa ra một ngày sau khi FED quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản trong cuộc họp chính sách lần thứ 4 liên tiếp.

Chủ tịch FED, ông Jerome Powell cho biết, hầu hết các thành viên Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - đều ủng hộ cắt giảm lãi suất trong năm 2024, song ít khả năng quyết định sẽ được đưa ra ngay trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 3 tới.

Theo bà Georgieva, kinh tế Mỹ sắp đạt được trạng thái "hạ cánh mềm" khi các nhà hoạch định chính sách đưa lạm phát trở lại mục tiêu mà không gây ra suy thoái kinh tế. FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng các ngân hàng khác đã giữ lãi suất ở mức cao trong những tháng gần đây nhằm nỗ lực đưa lạm phát trở lại mục tiêu. Trong bối cảnh lạm phát đang giảm ở nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới, giờ đây sự chú ý đã chuyển sang thời điểm nên bắt đầu cắt giảm lãi suất để kích thích đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Nhìn chung, bức tranh tổng thể vào năm 2024 sẽ bớt ảm đạm hơn. Ngoại trừ Argentina, tất cả các quốc gia được nêu trong báo cáo của IMF đều sẽ có mức tăng trưởng dương trong năm nay. Đây là một sự cải thiện so với năm 2023, khi bốn trong số 30 nền kinh tế được nêu trong báo cáo chịu cảnh suy thoái.

ĐAN ANH