Trình diễn cây nêu là một trong nhiều hoạt động trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2023 được gắn với những nghi thức, tập tục văn hóa đặc sắc của 6 dân tộc tiêu biểu của 6 tỉnh.
Đến với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” du khách và công chúng Thủ đô được chứng kiến chiêm ngưỡng, tìm hiểu những giá trị di sản văn hóa đặc sắc cây nêu của đồng bào các dân tộc.
Trong đó, Đắk Lắk trình diễn cây nêu gắn với nghi lễ về sức khỏe của đồng bào Ê Đê; Sơn La có cây nêu gắn với dân tộc Thái; Đà Nẵng có cây nêu gắn với đồng bào Cơ Tu; Thanh Hóa là cây nêu gắn với dân tộc Mường; Quảng Nam sẽ là cây nêu của đồng bào Ca Dong, còn Lai Châu sẽ là cây nêu của dân tộc Thái.
Cây nêu của đồng bào Ê Đê là biểu tượng của tâm linh
Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, đồng bào Ê Đê nói riêng, cây nêu là biểu tượng của tâm linh, là cây vũ trụ, trục nối giữa đất với trời, là vật không thể thiếu trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống. Chính vì vậy, cây nêu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống, được người Ê Đê trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Cây nêu, biểu tượng văn hóa của người Cơ Tu
Trong đời sống hằng ngày của người Cơ Tu, cây nêu và bàn lễ luôn chiếm vị trí quan trọng, không chỉ thể hiện sự sinh sôi nảy nở, là vật thiêng liêng kết nối với thần linh, ông bà, và chuyển tải khát vọng vươn tới cuộc sống ấm no, an lành, hạnh phúc mà còn là một sản phẩm mỹ thuật thể hiện tài nghệ trang trí, điêu khắc của nghệ nhân dân gian Cơ Tu.
Cây nêu người Mường chứa đựng ý nghĩ nhân văn sâu sắc
Tục dựng cây nêu ngày tết của người Mường chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc gắn với phong tục, tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian của đồng bào. Trước kia, dọc theo thân cây nêu, người Mường hay treo những vật dụng lao động được đan bằng tre, nứa để cầu mong một mùa mang tươi tốt, phía trên ngọn cây nêu treo giấy màu sặc sỡ. Ngày nay trên cây nêu của người Mường được treo một lá cờ Tổ quốc, với niềm vui mừng Đảng, mừng xuân, mừng quê hương, đất nước đổi mới.
Cây nêu biểu trưng của sự hội tụ giữa trời và đất dân tộc Thái
Cây nêu là một vật hết sức quan trọng với người Thái vùng Tây Bắc. Người dân tộc Thái xem cây nêu là biểu trưng của sự hội tụ giữa trời - đất đối với đời sống con người, thể hiện sự biết ơn của con cháu đối với tổ tiên. Cây nêu của dân tộc Thái được các nghệ nhân lựa chọn những cây tre già, thẳng, to và cao nhất đem về khoét nhiều lỗ để trang trí muông thú, cỏ cây, hóa lá, tượng trưng cho sự hội tụ của thiên nhiên với con người. Trên cây nêu được trang trí nhiều con vật như: Chim, cá, ve sầu,… được các nghệ nhân đan từ tre, nứa và đặc biệt có một quả còn.
Hình ảnh cây nêu thể hiện sự biết ơn trời đất đã mưa thuận gió hòa, cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho gia đình, con cái có sức khỏe, cuộc sống sung túc, thể hiện sự thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Đồng thời, giáo dục đoàn kết cộng đồng dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa.
Cây nêu biểu trưng để giáo dục, dạy bảo những thế hệ con cháu của người Ca Dong
Người Ca Dong quan niệm, cây nêu là nơi mà các vị thần linh và ông bà sẽ về ở và dự lễ hội. Đó cũng là sợi dây tâm linh nối con người với thần linh, tổ tiên thêm gần gũi hơn, cũng như khẳng định vị thế của gia đình trong từng ngôi làng. Hơn thế nữa, cây nêu còn là biểu trưng để giáo dục, dạy bảo những thế hệ con cháu của người Ca Dong ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa của mình trên vùng núi Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Có thể thấy, việc trình diễn dựng cây nêu trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” đã tái hiện trình diễn cây nêu, nghi thức văn hóa đặc sắc, gắn với đời sống tâm linh, thể hiện ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây cũng là cơ hội là cầu nối giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm của đồng bào các dân tộc, thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết.