Ứng dụng công nghệ vào chương trình giáo dục di sản tư tưởng Hồ Chí Minh

Nguyễn Ánh Hiền
Ngày 7/7, tại Hà Nội, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”.

toan-canh-hoi-thao-1-6013-1688782659.jpg

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp Bộ với đề tài “Ứng dụng công nghệ xây dựng chương trình giáo dục di sản cho học sinh ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Khu Di tích thực hiện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch khẳng định: Di sản văn hóa không chỉ là nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà còn là nguồn tài nguyên tri thức phong phú có giá trị giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Giáo dục di sản văn hóa là một phần thiết yếu của công tác giáo dục, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.

“Có một loại hình di sản đặc biệt quan trọng. Đó là di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Công tác giáo dục di sản tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần đào tạo con người về nhân sinh quan, đạo đức và lối sống” - Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhấn mạnh.

Theo bà Lê Thị Phượng, việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục di sản tại bảo tàng, di tích thông qua việc áp dụng các công nghệ hiện đại là một đòi hỏi của thực tiễn, cũng là một nhiệm vụ cấp bách được đặt ra trong quản lý hệ thống bảo tàng, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Khu di tích Phủ Chủ tịch là loại hình bảo tàng lưu niệm đời sống danh nhân, được hình thành ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (2/9/1969). Đây là một di sản văn hóa vô giá của dân tộc bởi gắn liền cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứa đựng những giá trị tài liệu hiện vật phong phú, phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống đời thường của Người trong 15 năm cuối cùng (1954-1969).

Trải qua 54 năm (1969-2023) được bảo tồn tương đối nguyên vẹn, Khu di tích Phủ Chủ tịch đã trở thành trường học khoa học xã hội và nhân văn giáo dục tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Bác Hồ cho mọi thế hệ người Việt Nam.

Đặc biệt, từ năm 2003, thực hiện Quyết định 35/2003/QĐ-BGDĐT đưa môn Tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành môn học chính thức trong tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên cả nước, nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” của giáo viên, học sinh, sinh viên tới thăm quan, học tập và nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh.

Việc kết hợp giảng dạy giữa lý thuyết tại nhà trường và tham quan học tập thực tế tại Khu di tích Phủ Chủ tịch là sự đổi mới phương pháp giảng dạy giúp học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao niềm tự hào về lãnh tụ kính yêu, biết vận dụng tư tưởng của Người vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.

Hội thảo về “Chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch” được tổ chức nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả giáo dục di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, trải nghiệm di sản đối với thế hệ trẻ trong thời đại khoa học công nghệ 4.0, từ đó lan tỏa sâu rộng hơn nữa giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt của Khu Di tích Phủ Chủ tịch.

Tại Hội thảo, các đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, di sản, cán bộ quản lý văn hóa… đã trình bày nhiều tham luận, ý kiến khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Di sản Hồ Chí Minh đối với việc giáo dục thế hệ trẻ; nêu thực trạng và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục di sản tại các bảo tàng, di tích hiện nay, cũng như đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ trong xây dựng các chương trình giáo dục di sản tại bảo tàng và Khu di tích.