Viện nghiên cứu Ifo: Nền kinh tế Đức đối mặt nhiều thách thức

Vũ Xuân Kiên

Chỉ số môi trường kinh doanh Ifo khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ và các hộ kinh doanh cá thể đã giảm mạnh xuống mức âm 10 điểm trong tháng 3 vừa qua, sau khi tăng 2,6 điểm trong tháng trước đó.

                                       Người dân mua hàng trong siêu thị. (Ảnh minh họa. THX/TTXVN)

Kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo cho thấy khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ của Đức đang chìm trong môi trường kinh doanh ảm đạm, phần lớn do tác động tiêu cực từ tình hình địa chính trị tại Ukraine.

Cụ thể, chỉ số môi trường kinh doanh Ifo khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ và các hộ kinh doanh cá thể đã giảm mạnh xuống mức âm 10 điểm trong tháng 3 vừa qua, sau khi tăng 2,6 điểm trong tháng trước đó. Chỉ số này được coi là một trong những chỉ số quan trọng hàng đầu trong đánh giá sự phát triển của nền kinh tế Đức.

Chuyên gia Klaus Wohlrabe, người đứng đầu cuộc khảo sát của Viện Ifo, cho biết kỳ vọng của kinh tế khu vực đang tăng trong tháng 2 bị chững lại do ảnh hưởng của mối quan hệ Nga-Ukraine. Giờ đây, sự bấp bênh không chỉ được cảm nhận ở các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, mà còn lan rộng ngay cả trong các doanh nghiệp siêu nhỏ và những hộ kinh doanh cá thể.

Theo kết quả khảo sát của Viện Ifo, chỉ số này giảm bắt nguồn từ sự sụp đổ về kỳ vọng tăng trưởng 6 tháng, cũng như khả năng tăng giá sản phẩm ngày càng được nhiều công ty cân nhắc. 50% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đang có kế hoạch tăng giá sản phẩm, dịch vụ.

Trong khi đó, dữ liệu chính thức được công bố cùng ngày cho thấy sản xuất công nghiệp của Đức tăng trong tháng 2, song các nhà phân tích cảnh báo bức tranh kinh tế vẫn chưa thể tươi sáng hơn khi tình hình địa chính trị tại Ukraine còn ảnh hưởng đến thị trường châu Âu.

Theo dữ liệu của Văn phòng thống kê liên bang Destatis, sản lượng công nghiệp của Đức trong tháng 2 tăng 0,2% so với tháng 1, nhờ sản xuất năng lượng tăng vọt, tới 4,9%, trong khi ngành sản xuất chỉ tăng trưởng nhẹ và hoạt động xây dựng giảm.

Do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, các nhà sản xuất ôtô Volkswagen, BMW và Mercedes-Benz đang gặp không ít thách thức do tình trạng thiếu phụ tùng ôtô từ các nhà máy sản xuất tại Ukraine, trong khi xuất khẩu sang Nga cũng phải tạm ngưng.

Bộ Kinh tế Đức cảnh báo ngành công nghiệp chủ chốt tại quốc gia này đang có xu hướng giảm, sau khi dữ liệu cho thấy số đơn đặt hàng cũng đang "lao dốc."

Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức đã hạ dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu xuống còn 1,8% trong năm nay, thay vì mức 4,6% dự báo hồi tháng 11/2021. Thậm chí, các chuyên gia cho rằng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng xảy ra suy thoái nghiêm trọng trong năm nay./.

Vũ Tùng-Hoàng Châu (theo TTXVN/Vietnam+)