Mặc dù, nền kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian qua, song bối cảnh hiện tại vẫn còn nhiều thách thức, khi nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng của năm có dấu hiệu chậm lại.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng nếu Việt Nam thực hiện tốt tất cả các động lực tăng trưởng trong chặng cuối của năm 2023, tăng trưởng GDP có thể đạt 6,8%-7,4%, lạm phát nằm trong khoảng 3,5%-3,8%. Trên nền tảng đó, tăng trưởng kinh tế năm 2024 dự báo đạt 7%-7,5% GDP.
Áp lực lớn về cuối năm
Tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội thường niên năm 2023 diễn ra ngày 19/9, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nền kinh tế trong nước duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, định hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Trong 8 tháng của năm, thu hút vốn đầu tư FDI, giải ngân đầu tư công và khu vực dịch vụ có chuyển biến tích cực.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng 10% đồng thời khách quốc tế dự báo sớm đạt và vượt mục tiêu cả năm (8 triệu lượt khách). Một số địa bàn công nghiệp trọng điểm đã phục hồi, một số nơi duy trì đà tăng nhanh. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, bảo đảm 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp kịp thời. các hoạt động về tăng cường kết nối cung cầu, hỗ trợ người lao động được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn chỉ ra tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 3,72% là mức gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. Điều này tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm cũng như việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn.
Cụ thể, nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại. Xuất khẩu hàng hóa của 8 tháng đầu năm giảm 10% so với cùng kỳ, mạnh nhất trong cùng kỳ 12 năm trở lại đây. Các thị trường xuất khẩu lớn (như Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản…) giảm hoặc tăng rất thấp.
Theo Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, xuất siêu tăng do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm, cho thấy nhu cầu đầu vào sản xuất trong nước tiếp tục chậm lại. Ông cũng đặc biệt chỉ ra bên cạnh vấn đề cầu thế giới giảm mạnh, chi phí logistics và các chi phí khác (chi phí nhân công, nguyên vật liệu đầu vào...) của Việt Nam cao, tiến trình xanh hóa một số lĩnh vực còn chậm, khiến một số mặt hàng xuất khẩu kém cạnh tranh hơn các quốc gia khác. Trong khi đó, năng lực sản xuất của nền kinh tế còn ở mức thấp với việc phải nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên vật liệu cho sản xuất.
Mặt khác, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đóng góp khoảng 20% GDP, chiếm tỷ trọng gần 74% trong tổng giá trị xuất khẩu, song thu hút FDI chưa thật sự bền vững. Ngoài ra, nhập khẩu của khu vực FDI ngày càng tăng cao cho thấy tính kết nối và năng lực sản xuất trong nước vẫn còn nhiều hạn chế.
Đầu tư công động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá đến nay giải ngân vốn đầu tư công dù có cải thiện (8 tháng đạt 42,35% kế hoạch) nhưng chưa đạt như kỳ vọng, chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng không còn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Công nghiệp chế biến chế tạo trong quý 1 giảm 0,49%, 6 tháng tăng thấp 0,44%. Chỉ số sản xuất công nghiệp của 8 tháng vẫn giảm 0,4% (cùng kỳ tăng 10,1%). Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển khiến Việt Nam chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về tiêu dùng trong nước, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận có sự phục hồi song chưa vững chắc. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 8 tháng duy trì đà tăng trưởng tuy nhiên đang có dấu hiệu chậm lại. Thị trường trong nước chưa được thúc đẩy hiệu quả, trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản còn khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Từ thực tế vươn lên trong đại dịch khi đối diện với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt như 3 năm vừa qua, một trong những bài học quan trọng nhất là xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức và tính bất định của các yếu tố bên ngoài. Chúng ta cần tăng cường, phát huy ‘nội lực,’ vận dụng, khai thác hiệu quả ‘ngoại lực’ để thích ứng và phát triển. Đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Việt Nam cần tập trung giải quyết các thách thức bên trong cả trước mắt, lẫn trong trung và dài hạn,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Thúc đẩy “cỗ xe tam mã” thế nào?
Tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính đánh giá cao việc Chính phủ thực hiện hàng loạt các giải pháp quyết liệt cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa từ 1/7/2023 và miễn giảm 36 loại phí-lệ phí, giãm hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước…
Bên cạnh đó, tỷ giá vẫn giữ ổn định tương đối so với USD và Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành, từ đó thúc đẩy việc sử dụng vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế. Điều này giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn, giảm được các chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận vừà tăng khả năng cạnh tranh cho sản xuất, vừa kích cầu tiêu dùng.
Trên cơ sở đó, ông Thịnh đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2023: Thứ nhất, những cân đối vĩ mô và tỷ giá vẫn giữ ổn định và các điều kiện không phải quá tốt, thực hiện ở mức bình thường, như xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 10% trở lại; Đầu tư công giải ngân không được cao, chậm trễ đến tháng cuối năm mới giải ngân được; Chỉ số tiêu dùng trong nước có tăng nhưng ở mức thấp 10 - 12%; Đầu tư nước ngoài không tăng trưởng mạnh hơn; Giá cả tiêu dùng trên thế giới với một số mặt hàng như xăng dầu tăng ở mức cao hơn, lấy mức dầu thô tăng vượt mốc 85 USD/thùng. Dự báo, mức tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,3%-6,7%, lạm phát nằm trong khoảng 3,3%-3,5%. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,5%-7% GDP.
Kịch bản thứ hai, Việt Nam thực hiện tốt tất cả các động lực tăng trưởng, đó là tăng trưởng xuất khẩu đạt 18%-20% từ nay đến cuối năm; Đầu tư công tháng 8 và 9 giải ngân nhanh, đạt 75%-80% trong quý 3, vòng lan tỏa của giải ngân đầu tư công cũng tốt hơn; chỉ số tiêu dùng trong nước đạt mức như năm 2022 (khoảng 19,5%); Đầu tư nước ngoài thực hiện tốt; Các vấn đề an sinh xã hội được giả quyêt tốt; Giá dầu thô vẫn giữ ở mức 70-85 USD/thùng và các chi phí khác không tăng quá cao. Trên bình diện đó, Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 6,8%-7,4%, lạm phát nằm trong khoảng 3,5%-3,8%. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 7%-7,5% GDP.
Về giải pháp, đại diện của Tổng cục Thống kê đề xuất thúc đẩy "cỗ xe tam mã” (tiêu dùng-đầu tư-xuất khẩu) để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những tháng cuối năm.
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng..., ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023. Do đó, vị đại diện này kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp (như giảm giá hàng tiêu dùng, giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng, giãn-khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội; Thực hiện chính sách giảm thuế VAT để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn).
Thúc đẩy đầu tư, đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh cả đầu tư công và đầu tư tư nhân là nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, Chính phủ cần ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng, góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công sẽ khiến tổng cầu của nền kinh tế tăng lên, nhờ đó sẽ kích thích các doanh nghiệp gia nhập thị trường nhiều hơn để sản xuất các nguyên vật liệu đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ có chính sách đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân.
Nhóm phân tích của Tổng cục Thống kê dự báo hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào những tháng cuối năm do lượng tồn kho hàng hóa tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, đại diện Tổng cục đưa ra đề xuất các cấp quản lý đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, tập trung vào xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín và tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại.
"Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, việc xác định các động lực tăng trưởng là quan trọng để có những giải pháp đúng và trúng đưa nền kinh tế nước ta đạt tăng trưởng ở mức cao nhất có thể. Kích cầu tiêu dùng, đầu tư và duy trì cân bằng bền vững của cán cân thương mại hàng hóa là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2023, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo," đại diện Tổng cục Thống kê chia sẻ./.