Việt Nam chủ động phòng, chống virus Marburg, dù khả năng lây lan thấp

Tran Huy

Các chuyên gia dịch tễ cho biết, căn bệnh tuy virus Marburg chưa xuất hiện tại Việt Nam, song người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng, chống virus Marburg.

Trước đợt bùng phát dịch bệnh do virus Marburg tại Guinea Xích Đạo, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đây là căn bệnh đã được ghi nhận trên động vật từ lâu, không phải bệnh mới. Virus Marburg được ghi nhận lây trên người lần đầu tiên là từ phòng thí nghiệm ở Marburg (Đức), tuy nhiên bệnh nhanh chóng được khoanh vùng và khống chế. Sau đó cũng đã xuất hiện một vài vụ dịch lẻ tẻ ở châu Phi, được xác định lây từ động vật sang người. Mặc dù khi nhiễm virus Marburg tỉ lệ gây tử vong cao nhưng, người dân không nên quá hoang mang do khả năng lây lan của bệnh này tương đối thấp.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, virus Marburg khi lây bệnh thì tỉ lệ tử vong khá cao, thậm chí đến 70-80%. Chính vì vậy với người mắc bệnh, đây là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, nhưng đối với cộng đồng, bệnh do virus Marburg gây ra không có nhóm bệnh triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, do đó căn bệnh này khó có thể lan rộng như những bệnh có nhóm triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Ngoài ra, khi nhiễm virus Marburg, bệnh nhân thường nặng, nằm một chỗ nên sẽ khó lây hơn, nhất là trên phạm vi vùng, quốc gia. Nhìn chung, tỉ lệ lây virus Marburg thấp hơn so với nhóm bệnh có thời gian ủ bệnh dài hoặc bệnh không có triệu chứng.

Việt Nam chủ động phòng, chống virus Marburg, dù khả năng lây lan thấp
Một ống kiểm tra virus Marburg/ Ảnh minh họa.

Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm, bệnh do virus Marburg gây ra có biểu hiện ban đầu giống như sốt virus thông thường như: Cơ thể sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mỏi cơ khớp, buồn nôn… Sau đó bệnh nặng lên, bệnh nhân có thể có rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng, tử vong tương đối nhanh chóng trong vòng 7 ngày, tương tự virus Ebola. Người nhiễm virus Marburg thường có triệu chứng và được cách ly theo quy định. Vì vậy khả năng bị lây của người Việt Nam do tiếp xúc từ người cũng thấp.

"Đến nay, bệnh do virus Marburg gây ra vẫn chưa có thuốc điều trị, chủ yếu chữa triệu chứng. Bệnh cũng chưa có vaccine dự phòng. Virus Marburg lây truyền thông qua tiếp xúc ngoài da, tiếp xúc với các bề mặt vật dụng có virus, lây qua dịch tiết như máu hoặc tiếp xúc gần bệnh nhân cũng có nguy cơ lây nhiễm... Hiện chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh do virus Marburg. Tuy nhiên, việc chăm sóc hỗ trợ sớm bằng bù nước và điều trị triệu chứng sẽ giúp cải thiện khả năng sống. Bệnh do virus Marburg là bệnh rất hiếm gặp ở người và hiện chưa xuất hiện tại Việt Nam, thế nhưng người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng, chống căn bệnh này, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo.

Theo bác sĩ Vũ Quốc Đạt, giảng viên bộ môn Truyền nhiễm (Trường Đại học Y Hà Nội), trong lịch sử bệnh này chưa từng bùng phát ở châu Á kể từ năm 1967 nên nguy cơ xâm nhập Việt Nam tương đối thấp khi dịch còn lẻ tẻ ở châu Phi. Khi dịch ở châu Phi lan rộng hơn, nguy cơ dịch đối với Việt Nam mới đáng lo ngại. Tuy nguy cơ dịch xâm nhập thấp nên đây vẫn là dịch bệnh nguy hiểm do tỉ lệ tử vong cao. Do bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người qua đường tiếp xúc, cần tuyệt đối tuân thủ việc khai báo y tế đối với những người đi qua vùng dịch hoặc có tiếp xúc với ca bệnh nghi ngờ, hoặc khẳng định mắc virus Marburg.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời gian ủ bệnh Marburg là từ 2 ngày đến 3 tuần. Các triệu chứng bắt đầu đột ngột với sốt dữ dội và đau đầu. Vài ngày sau khi khởi phát, nhiều bệnh nhân bị nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng kéo dài tới một tuần. Theo WHO, các trường hợp nặng có kèm theo chảy máu trong tuần đầu tiên. Một số bệnh nhân nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu. Bệnh nhân cũng bị chảy máu nướu răng, ở mũi và cơ quan sinh dục. Bệnh có thể lan đến hệ thần kinh khiến người bệnh trở nên lú lẫn, dễ cáu gắt và hung dữ. Hầu hết các trường hợp tử vong sau hơn một tuần mắc bệnh, ngoài ra, WHO cho biết thêm rằng các trường hợp tử vong thường đi kèm với sốc và mất máu nghiêm trọng.

HÀ VŨ