Khu vực rừng tái sinh ở xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn đã được giao cho doanh nghiệp và hộ dân quản lý, bảo vệ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Việc Việt Nam tham gia Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn rừng và sử dụng đất bền vững; thể hiện sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong tham gia xử lý các vấn đề toàn cầu.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 993/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.
Đây là hành động cụ thể tiếp theo của Chính phủ Việt Nam sau cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).
Kế hoạch nhằm đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn; các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho người dân và cộng đồng địa phương, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, qua đó thực hiện được các cam kết của Tuyên bố Glasgow.
Chuyển biến trong nhận thức, hành động
Diện tích rừng của nước ta, năm 2022, bao gồm rừng trồng chưa khép tán là 14.790.075 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%. Mục tiêu của Đề án Trồng một tỷ Cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ.
Cụ thể, đến hết năm 2025, cả nước phấn đấu trồng được một tỷ cây xanh; trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Trồng, quản lý và bảo vệ rừng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Những năm qua, các ngành chuyên môn, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương đã quan tâm, tích cực triển khai và tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Những người dân sinh sống gần với rừng chính là “cánh tay nối dài” trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức các hoạt động về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Công tác trồng rừng có nhiều kết quả khả quan. Giai đoạn 2017-2022 trên địa bàn tỉnh trồng được hơn 12.400 ha rừng. Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng.
Tỉnh Điện Biên có gần 700.000ha đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có trên 400.000 ha diện tích đất có rừng. Để giữ vững diện tích rừng hiện có, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền quy định pháp luật về lâm nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng, nhằm hạn chế thấp nhất các hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 407.423,966 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổng số tiền tạm ứng năm 2022 là trên 88,5 tỷ đồng.
Các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh Cà Mau tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho rừng. Năm 2022, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống camera giám sát lửa với 2 camera chuyên dụng có thể quét nhiệt và ghi hình ảnh, quan sát bao quát khoảng 2.500ha rừng.
Khi phát hiện những nơi có nguy cơ cháy, camera sẽ truyền tín hiệu về Trung tâm Kiểm soát phòng cháy chữa cháy rừng thông qua hệ thống âm thanh và còi báo động. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, hệ thống camera đã góp phần hiệu quả trong việc phát hiện kịp thời các điểm phát lửa, giúp công tác quản lý bảo vệ rừng ngày một chủ động hơn.
Việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, mang lại nguồn lợi to lớn cho Việt Nam ở hiện tại và tương lai.
Do đó, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng để nâng cao chất lượng rừng, giai đoạn tới, cần rà soát, đánh giá diện tích đất lâm nghiệp và rừng để bố trí hài hòa các loại rừng.
Các địa phương đánh giá, lựa chọn, lập danh mục cơ cấu loài và giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao, phù hợp với từng điều kiện lập địa, đáp ứng yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng; nghiên cứu chọn tạo giống mới, khảo nghiệm các giống cây trồng lâm nghiệp đã được công nhận theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu kinh doanh gỗ lớn và thúc đẩy hoạt động chuyển giao những giống mới vào sản xuất.
Các địa phương nghiên cứu xây dựng kỹ thuật tối ưu về chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng cung cấp gỗ lớn, trồng lại rừng sau khai thác, trồng rừng mới theo hướng thâm canh.
Quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên
Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất nhằm mục đích ngăn chặn, đảo ngược tình trạng mất rừng, suy thoái đất vào năm 2030; góp phần đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C đồng thời hỗ trợ phát triển bền vững, chuyển đổi công bằng ở khu vực nông thôn thông qua các hành động cụ thể. Nội dung chính của Tuyên bố tập trung vào vai trò và mối tương quan giữa rừng, đa dạng sinh học, sử dụng đất bền vững, góp phần đạt được sự cân bằng giữa phát thải khí nhà kính do con người gây ra và hấp thụ khí nhà kính tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Chi Cục kiểm lâm Thanh Hoá phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Xuân Liên tổ chức tuần tra bảo vệ rừng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Để thể hiện quyết tâm, cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và suy giảm các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.
Kế hoạch đưa ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, từng bước hạn chế tình trạng suy thoái rừng và suy thoái đất.
Đến năm 2030, cơ bản đẩy lùi tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa, bảo đảm hài hòa phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn; đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định (NDC).
Đồng thời, phấn đấu diện tích rừng tự nhiên nghèo được phục hồi và nâng cấp chất lượng đạt 10% vào năm 2025, đạt 20% vào năm 2030, góp phần giảm tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên nghèo, tăng tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên trung bình và giàu; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ; nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và tính bền vững của rừng trồng và cây trồng nông nghiệp; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 0,5 triệu ha vào năm 2025, đạt 1,0 triệu ha vào năm 2030.
Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nông, lâm nghiệp bền vững không gây mất rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa; nâng cao tính chống chịu, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng đa mục đích, phát thải thấp, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.
Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Bảo tồn và đẩy nhanh quá trình phục hồi rừng, các hệ sinh thái trên cạn; xây dựng và hoàn thiện chính sách thương mại trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng hàng hóa bền vững để đạt được lợi ích chung, không làm mất rừng và suy thoái đất.
Đồng thời, thực hiện giải pháp giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của rừng và đất; tăng cường khả năng phục hồi và cải thiện sinh kế nông thôn thông qua trao quyền cho cộng đồng, củng cố hệ thống quản lý đất, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị đa mục đích của rừng; đảm bảo các quyền của người dân và các cộng đồng địa phương theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Bản kế hoạch cũng nêu rõ việc xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng bên vững, bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tiếp cận, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế, hợp tác công tư để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và quản lý rừng bền vững, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số.
Các nguồn tài chính thực hiện lồng ghép nhằm hạn chế tình trạng mất rừng và suy thoái rừng, có các cơ chế, chính sách hiệu lực, hiệu quả để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có khả năng phục hồi và đạt được các mục tiêu quốc tế về quản lý rừng, sử dụng đất bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu./.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)