Hội thảo chung lần thứ 3 “Kiểm toán Quản lý chất thải” giữa Kiểm toán Nhà nước Việt nam và Ủy ban Kiểm toán Indonesia, ngày 11/8. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Quản lý chất thải là nội dung trọng tâm của kiểm toán Nhà nước, do lĩnh vực này có mức độ tác động đến hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người.
Tại Hội thảo chung lần thứ 3 “Kiểm toán Quản lý chất thải” giữa Kiểm toán Nhà nước Việt nam và Ủy ban Kiểm toán Indonesia, ngày 11/8, ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định diễn đàn khoa học này đã mang lại cho ngành Kiểm toán Việt Nam những kiến thức, kinh nghiệm thực tế quý báu.
Những thông tin tham khảo từ hoạt động kiểm toán quản lý chất thải của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Indonesia sẽ được nghiên cứu, vận dụng trong quá trình tổ chức thực hiện cũng như trong quá trình đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước Việt Nam.
Bà Isma Yatun, Chủ tịch nhấn mạnh hai quốc gia cùng phát triển tiến tới nền kinh tế bền vững, do đó cũng có chung những thách thức liên quan về phát thải và tác động ảnh hưởng đến môi trường. Tại Indonesia, vấn đề quản lý chất thải là ưu tiên hàng đầu, điều này là thể hiện cam kết của Chính phủ về bảo vệ môi trường.
Để theo đuổi sứ mệnh đó, Bà Isma Yatun chia sẻ: “Kiểm toán Indonesia đã làm nhiều cuộc kiểm toán khác nhau về quản lý chất thải. Tại hội thảo, chúng tôi rất mong muốn chia sẻ kinh nghiệm giữa hai bên, qua đó góp phần tăng cường sức mạnh của hai cơ quan, đóng góp vào sự phát triển bền vững và khả năng chống chịu của nền kinh tế trong tương lai.”
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung trên 52 văn bản quy phạm pháp luật. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tại hội thảo, ông Lê Tùng Lâm, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Chuyên ngành III, cho biết giai đoạn 2016 - 2023, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều cuộc kiểm toán quản lý chất thải dưới cả 3 loại hình kiểm toán hoạt động, tài chính và tuân thủ. Các chủ đề kiểm toán tập trung vào các vấn đề “nóng,” tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực môi trường được xã hội quan tâm.
Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước đã rà soát, thu thập thông tin, đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa vào kế hoạch thực hiện, nhằm đảm bảo tối đa hóa các tác động và giá trị gia tăng mà cuộc kiểm toán có thể đem lại.
Các chủ đề kiểm toán tập trung vào công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề, nhà máy nhiệt điện, cơ sở y tế. Và, các chủ đề về công tác quản lý phế liệu nhập khẩu, quản lý nguồn nước, việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu, sử dụng túi nilon. Đặc biệt là nội dung về quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công tại các dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, nước thải và các dự án cải thiện môi trường nước. Thêm vào đó là việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường, quỹ bảo vệ môi trường cho các hoạt động về quản lý chất thải...
“Trên cơ sở các kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra các cảnh báo về nguy cơ, rủi ro ô nhiễm môi trường cùng với hàng loạt các giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý chất thải,” ông Lâm nói.
Chia sẻ kinh nghiệm từ các cuộc kiểm toán, ông Normas Andi Ahmad, Kiểm toán viên, Ủy ban Kiểm toán Indonesia, cho rằng việc sử dụng chuyên gia trong từng giai đoạn kiểm toán là rất có lợi để tạo ra kết quả kiểm toán chất lượng cao. Trong các cuộc kiểm toán, các chuyên gia cho ý kiến xác nhận kế hoạch kiểm toán đã được thiết kế và ý kiến tại giai đoạn báo cáo để soạn thảo các khuyến nghị có tác động.
“Các cuộc kiểm toán có sự tham gia của nhiều bên liên quan. Vì vậy, điều quan trọng là phải cải thiện sự phối hợp liên ngành trong từng giai đoạn của cuộc kiểm toán. Để thu thập khối lượng lớn dữ liệu và quan điểm từ mỗi bên, cơ quan kiểm toán nên duy trì sự phối hợp tốt với từng bên. Cuối cùng, việc sử dụng công nghệ là rất quan trọng để vượt qua những khó khăn. Trong điều kiện đại dịch, việc sử dụng công nghệ để thực hiện kiểm toán từ xa là rất có lợi,” Ahmad nói.
Việc sử dụng chuyên gia trong từng giai đoạn kiểm toán là rất có lợi để tạo ra kết quả kiểm toán chất lượng cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhằm nâng cao hiệu quả kiểm toán quản lý chất thải trong thời gian tới, đại diện Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cho biết ngành sẽ đẩy mạnh các hoạt động phát triển, tăng cường năng lực cho hoạt động kiểm toán môi trường.
Ông Lê Tùng Lâm cho biết ngành sẽ tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chiến lược, lộ trình phát triển kiểm toán môi trường trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Trong đó, nội dung về kiểm toán quản lý chất thải sẽ triển khai, thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành.
Để tăng cường năng lực về kiểm toán quản lý chất thải, ông Lâm cho rằng các kiểm toán viên phải có sự hiểu biết cơ bản về lĩnh vực môi trường, từ đánh giá tác động đến các công nghệ, quy trình xử lý chất thải, phương pháp và công cụ quản lý môi trường. Hơn nữa, kiểm toán viên cũng cần bổ kiến thức chuyên môn, năng lực phân tích và đánh giá hoạt động của đơn vị để từ đó đưa ra các kết luận và kiến nghị có giá trị. Vì vậy, ngành sẽ ưu tiên phát triển đầu tiên vào tăng cường năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo và các khóa đào tạo chuyên môn trong nước và quốc tế.
Thống nhất quan điểm chung, đại diện hai cơ quan Kiểm toán Nhà nước đề cao công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm toán môi trường, kiểm toán quản lý chất thải một cách đầy đủ, chính xác và khoa học.
Theo ông Lâm, điều này nhằm giúp kiểm toán viên trong việc thu thập thông tin để lựa chọn chủ đề kiểm toán tiềm năng hỗ trợ quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm, trung hạn và dài hạn một cách hợp lý.
“Bên cạnh đó, một hệ thống thông tin đầy đủ và chính xác về hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán, giúp kiểm toán viên xác định trọng yếu và rủi ro, xây dựng mục tiêu và tiêu chí của cuộc kiểm toán có căn cứ và mang tính khả thi cao,” ông Lâm nói.
Hai bên cũng thống nhất quan điểm tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế về trong các chương trình hợp tác về kiểm toán môi trường, đặc biệt là các cuộc kiểm toán song song, kiểm toán chung có sự phối hợp giữa các quốc gia. Ngoài ra, các bên sẽ biệt phái kiểm toán viên tham gia các cuộc kiểm toán môi trường để học hỏi, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm./.
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)