Ảnh minh họa
Thực hiện Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc tổ chức biên soạn và thẩm định sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, do chưa có quy định việc chuyển giao quyền của chủ sở hữu quyền tác giả sách giáo khoa biên soạn bằng ngân sách nhà nước cho một nhà xuất bản khai thác nên việc in ấn, cấp phát sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số bằng ngân sách địa phương theo quy định tại Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên là không thực hiện được.
Tình trạng này đã kéo dài trên 01 năm làm ảnh hưởng đến việc dạy và học, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với học sinh dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 5.
Để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, yêu cầu thực tiễn cấp bách về bảo đảm sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp khẩn trương rà soát, nghiên cứu các quy định có liên quan để có văn bản báo cáo, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước theo trình tự, thủ tục rút gọn theo đúng quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 19/01/2024.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động để có thể triển khai các công việc cần thiết ngay sau khi có đủ điều kiện theo quy định, kịp thời cung cấp đủ sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số cho năm học 2024 - 2025./.