Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ
Báo cáo mới đây của Ngân hàng HSBC cho biết, dữ liệu kinh tế của Việt Nam trong tháng 2 có thể gây nhiều câu hỏi về sự phục hồi thương mại, nhưng điều này hoàn toàn do ảnh hưởng từ các biến động liên quan đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong khi xuất khẩu tháng 2 giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, gần với dự báo của HSBC (-5,7%), tổng kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng đầu năm thực tế đã tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, hiệu ứng cơ sở cũng là một phần nguyên nhân khi tình trạng suy giảm thương mại bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam từ quý IV/2022.
Theo HSBC, nếu nhìn ra phạm vi rộng hơn, dữ liệu tích cực cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và ổn định trong thương mại của Việt Nam. Đặc biệt, có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi đang diễn ra trên diện rộng, với sự cải thiện nhẹ ở các lĩnh vực như dệt may và da giày cũng như máy móc.
Trong Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,3 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 16,14 tỷ USD, tăng 33,3%, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 43,2 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 72,8%.
Với việc xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng ấn tượng, gấp hơn 2 lần so với mức tăng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (33,3% so với 14,7%) cho thấy những nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, có tới 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng ở mức hai con số, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng tới 43,8%; sắt thép tăng 45,4%; giày dép tăng 18,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,9%; hàng dệt may tăng 15%...
Nhìn về tương lai, các chuyên gia tại HSBC cho rằng, các chỉ số chính trong lĩnh vực xuất khẩu đều cho thấy xu hướng phục hồi có thể tiếp tục. Chẳng hạn, chỉ số PMI (chỉ số quản trị mua hàng) sản xuất mới nhất vẫn duy trì ở mức mở rộng nhờ sản lượng tích cực và đơn hàng mới, cũng như tình hình việc làm. Đồng thời, chỉ số chênh lệch giữa đơn hàng mới và hàng tồn kho cũng cho thấy sự cải thiện ổn định.
Dẫu vậy, HSBC nhận định Việt Nam cũng cần phải theo dõi sát sao những gián đoạn tại Biển Đỏ vì tình hình kéo dài có thể tạo áp lực lên thị trường ngoại thương, đặc biệt khi Việt Nam có mức độ mở cửa lớn với thị trường EU so với các quốc gia khác trong khu vực.
Cán cân thương mại thặng dư nhưng cần phân bổ lợi ích phù hợp
2 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD, cao hơn với mức xuất siêu của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,53 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,25 tỷ USD.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, xuất siêu ở mức cao thể hiện năng lực của các doanh nghiệp tại Việt Nam khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như việc tận dụng tốt những cơ hội và ưu đãi mà thị trường đặt ra.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là kim ngạch xuất siêu này đến từ khu vực doanh nghiệp nào, bởi hiện nay, kim ngạch phần lớn đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, 2 tháng qua, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 16,14 tỷ USD, nhưng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 43,2 tỷ USD, nghĩa là gấp 2,6 lần khu vực trong nước.
Do đó, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng cho rằng, vấn đề ở đây là phải đảm bảo cán cân thương mại thặng dư nhưng cần phân bổ lợi ích phù hợp cho các thành phần kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam luôn thúc đẩy và đa dạng hội nhập nhưng hội nhập phải thực chất, bền vững và phải làm sao chuyển hóa được những yếu tố bên ngoài vào sức mạnh nội tại bên trong.
“Chúng ta phải hướng tới để khu vực doanh nghiệp Việt Nam là người làm chủ, phải là con át chủ bài của “cuộc chơi” quốc tế này. Nếu không thì Việt Nam xuất khẩu nhiều cho thế giới, nhưng thực chất phần được hưởng về cho nền kinh tế trong nước lại rất khiêm tốn”, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.
Khoảng cách giữa xuất khẩu và nhập khẩu lớn liệu có là vấn đề đáng lo lắng? Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp hạn chế sản xuất nên phải giảm việc nhập khẩu nguyên phụ liệu; hoặc các doanh nghiệp đã chủ động được về nguồn nguyên phụ liệu trong nước.
Tuy nhiên, nhiều khi nhập khẩu với giá thấp lại là lợi thế, giúp tăng khả năng cạnh tranh về giá cho doanh nghiệp. Vấn đề cần quan ngại là khi nhập khẩu nhiều khiến sản xuất trong nước trì trệ thì cần đổi mới trong quản lý và cơ cấu lại doanh nghiệp.
Với những vấn đề về kim ngạch xuất nhập khẩu, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng cho rằng, việc này cũng tạo ra áp lực, thậm chí là động lực để các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý trong nước điều chỉnh cơ cấu kinh tế, mô hình kinh doanh để bắt kịp thị trường.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải tăng cường học hỏi kinh nghiệm, đẩy mạnh thông tin về hội nhập, xây dựng thương hiệu mạnh… nhằm tăng kim ngạch thương mại trong thời gian tới.
Nhìn nhận câu chuyện xuất siêu vừa qua, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong thời gian vừa qua, nhiều lĩnh vực và ngành nghề của chúng ta đã có sự tìm kiếm nguồn nguyên nhiên vật liệu trong nước để thay thế nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu. Do đó, lượng nhập khẩu giảm đi nhưng hàng hóa xuất khẩu của chúng ta vẫn đáp ứng được. Nếu chúng ta duy trì được việc này thì hoàn toàn có thể tự tin rằng nền kinh tế của chúng ta sẽ tốt hơn trong tương lai.
“Nếu nói không có nhập khẩu thì không có xuất khẩu. Nhưng thực tế, xuất khẩu vẫn tăng. Và thực tế, nếu doanh nghiệp cần thì họ phải nhập về để sản xuất kinh doanh và xuất khẩu chứ không bó tay chịu trói”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Do đó, cần có sự tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn nguyên nhiên vật liệu trong nước để thay thế nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu; tiết kiệm nguyên nhiên liệu nhập khẩu và xuất khẩu để thực hiện quá trình sản xuất xanh hơn, sạch hơn. Từ đó, tạo điều kiện cho nền kinh tế của Việt Nam thích ứng với giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế thế giới.