6 nhiệm vụ trọng tâm cho lực lượng Quản lý thị trường trong năm 2023

Vũ Xuân Kiên
(tapchivietduc.vn) - Mới đây, dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giao 6 nhiệm vụ trọng tâm cho lực lượng quản lý thị trường trong năm 2023.
2023-01-06-10-44-037-a8548-1673340323.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương

Theo báo cáo tình hình hoạt động của lực lượng QLTT trong năm 2022, trong năm 2022 lực lượng QLTT có 2 dấu ấn đậm nét nhất. Thứ nhất, chất lượng các cuộc thanh kiểm tra ngày càng tốt, đặc biệt là các vụ việc kiểm tra, xử phạt mang tính đột xuất. Cả năm 2022, toàn lực lượng đã tiến hành thanh kiểm tra đột xuất 34.094 vụ, xử lý 33.368 vụ (chiếm 98%). Ngoài ra, công tác kiểm tra định kỳ được duy trì thường xuyên, thanh tra chuyên ngành cũng được chú trọng, quan tâm. Thứ hai, mặt hàng, lĩnh vực mà lực lượng QLTT kiểm tra, thanh tra rất đa dạng, phong phú, ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh mặt hàng xăng dầu, năm 2022, toàn lực lượng đã tập trung kiểm tra những mặt hàng trọng tâm có nhu cầu tiêu dùng cao như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc.

Trong cả năm 2022, lực lượng QLTT cả nước đã thanh, kiểm tra 70.902 vụ; phát hiện, xử lý 43.989 vụ vi phạm (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021); chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (giảm 24% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trong năm 2022 đạt trên 490 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021). Trị giá hàng tịch thu gần 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giao 6 nhiệm vụ trọng tâm cho lực lượng quản lý thị trường trong năm 2023:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến hoạt động của lực lượng QLTT; các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; của cấp ủy, chính quyền địa phương và của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, nhất là các quy định, chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong cơ quan hành chính nhà nước; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của lực lượng QLTT; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống… Từ việc quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Tổng cục cần phải chủ động đề xuất các giải pháp và tập trung xây dựng, ban hành, phân công cụ thể trách nhiệm, tổ chức thực thi nghiêm túc, hiệu quả các quy chế, quy định ở các đơn vị trong toàn lực lượng.

Thứ hai, tập trung nắm bắt thực tiễn tình hình, rà soát các quy định hiện hành để tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, bảo đảm cho công tác QLTT được thực thi có hiệu lực, hiệu quả. Trước mắt, tập trung tổng kết đánh giá kết quả hoạt động sau 5 năm thực hiện mô hình QLTT theo ngành dọc… để tham mưu cho Bộ và Chính phủ có những chủ trương, chính sách phù hợp.

Thứ ba, tiếp tục chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy; sớm tham mưu với Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT theo quy định của Nghị định 96 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Chủ động rà soát, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án thành lập các Cục QLTT liên tỉnh trực thuộc Tổng cục để tổ chức thực hiện. Tích cực xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án luân chuyển cán bộ; giới thiệu, trình Bộ bổ nhiệm người đứng đầu Cục QLTT cấp tỉnh không phải là người ở địa phương.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương chỉ đạo, điều hành và nâng cao ý thức chấp hành trong toàn lực lượng; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế (như cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh…) và đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu theo tinh thần vụ việc xảy ra ở đâu thì cấp ủy, người đứng đầu tổ chức, đơn vị ở đó phải tập trung chỉ đạo xử lý, không được né tránh, đùn đẩy lên cấp trên. Thực hiện tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ (cả thường xuyên và đột xuất), nhất là hoạt động của đội ngũ trực tiếp xử lý nghiệp vụ và tiếp xúc thường xuyên với người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe. Chú trọng xây dựng chuẩn mực văn hóa của lực lượng QLTT; đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức công vụ để xây dựng đội ngũ công chức QLTT thật sự có bản lĩnh, năng lực chuyên môn, liêm chính, trong sạch, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động của toàn lực lượng; tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thứ năm, tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 các cấp và của cấp uỷ, chính quyền địa phương; chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các lực lượng trên địa bàn (Công an, Hải quan, Biên phòng) để nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ... Tăng cường kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu và trong các dịp lễ, tết…

Thứ sáu, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về hoạt động của Ngành (nhất là việc cung cấp thông tin cho báo chí), qua đó tăng cường cơ chế giám sát, tiếp nhận phản biện xã hội đối với hoạt động của Ngành… để tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Xuân Kiên