Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - đơn vị đi đầu trong lĩnh vực ghép tạng

Nguyễn Ánh Hiền
Ngày 6/12, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức hội thảo về công tác ghép mô-tạng với chủ đề "Ghép mô-tạng: Triển vọng và Thách thức" với sự tham dự của đông đảo các giáo sư, bác sĩ và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng của nhiều trung tâm ghép tạng trong cả nước.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca ghép đồng thời tim-gan.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca ghép đồng thời tim-gan.

Trong hơn 20 năm qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã không ngừng phát triển và khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực ghép mô-tạng tại Việt Nam. Các kỹ thuật ghép: ghép tim, gan, phổi, thận, ghép đa tạng đồng thì, ghép mô bảo quản đã được đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện làm chủ, đặc biệt là những kỹ thuật phức tạp đòi hỏi sự chính xác cao và sự phối hợp liên chuyên khoa.

Để có những thành công đạt được trong lĩnh vực ghép tạng, đó là sự cố gắng không ngừng, nhiệt huyết tìm tòi, xây dựng những kỹ thuật mới trong lĩnh vực ghép của toàn bộ đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng trong bệnh viện trong nhiều năm.

Lịch sử ghép tạng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức bắt đầu từ những năm 1960 với những trường hợp ghép trên động vật thí nghiệm. Những trường hợp ghép tạng thực nghiệm trên động vật đã được Giáo sư Tôn Thất Tùng thực hiện từ những năm 1965-1966 với mong muốn tương lai bệnh viện có thể thực hiện ghép gan, thận trên người. Năm 1992, PGS, VS Tôn Thất Bách và các chuyên gia của bệnh viện đã tham gia trường hợp ghép thận đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Quân Y 103. Đến tháng 4/2002 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện trường hợp ghép thận đầu tiên trên người.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - đơn vị đi đầu trong lĩnh vực ghép tạng ảnh 1

PGS, TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức báo cáo về quá trình thực hiện ghép mô, tạng.

Chương trình ghép tạng của bệnh viện thực sự phát triển từ sau năm 2005 với nhiều thành tựu trong ghép gan, thận, tim, phổi,… ghép đa tạng đồng thời (tim-thận, gan-thận, tim-gan) từ người cho chết não,… Đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là trung tâm ghép tạng hàng đầu trong cả nước cả về số trường hợp ghép tạng, đặc biệt là số trường hợp lấy và ghép đa tạng từ người hiến chết não, đồng thời đã chuyển giao kỹ thuật cho trên 10 bệnh viện trong cả nước.

Bệnh viện đã thực hiện thành công: 63 ca ghép tim; 6 ca ghép phổi; 120 ca ghép gan, trong đó 102 ca ghép gan từ người cho chết não; 2.000 ca ghép thận, trong đó 185 ca ghép thận từ người cho chết não; thực hiện phẫu thuật lấy đa tạng từ 121 trường hợp chết não hiến tạng.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - đơn vị đi đầu trong lĩnh vực ghép tạng ảnh 2

Hội Ghép tạng Việt Nam trao quyết định bổ nhiệm TS, BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (người ôm hoa) giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam.

Tại hội thảo, Hội Ghép tạng Việt Nam trao quyết định bổ nhiệm TS, BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam. Đây là sự ghi nhận cho những cống hiến không ngừng nghỉ của ông trong lĩnh vực ghép tạng.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm, TS, BS Dương Đức Hùng đã để lại dấu ấn trong cả lĩnh vực chuyên môn và quản lý. Ông đã trực tiếp tham gia và chỉ đạo nhiều ca ghép tạng quan trọng như ghép tim, gan, thận. Những ca ghép này không chỉ đạt tỷ lệ thành công cao mà còn góp phần đưa y học Việt Nam vươn lên tầm quốc tế, nâng cao uy tín và vị thế của nền y học nước nhà.