Bóng bàn thu hút hàng triệu người tập luyện tại Việt Nam

Nguyễn Ánh Hiền
Thống kê sơ bộ của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cho thấy hiện có khoảng gần một triệu người ở Việt Nam tham gia chơi và tập luyện bóng bàn đều đặn hằng tuần. Công ty Mofit - một trong những đơn vị cung cấp bàn bóng chất lượng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế - đánh giá thực tế có khoảng 4 triệu người chơi bóng bàn tại Việt Nam dựa trên số lượng 40 nghìn bàn bóng bàn bán ra hằng năm tại Việt Nam.

5-1-1-8670-1688526674.jpg

Cặp vận động viên Ðinh Anh Hoàng - Trần Mai Ngọc giành ngôi vô địch bóng bàn đôi nam nữ tại SEA Games 32.

Theo Phó Cục trưởng Thể dục-Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Hoàng Yến, bóng bàn là một trong những môn thể thao có số người tập luyện hằng tuần đứng đầu tại Việt Nam. Hiện nay, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam ghi nhận có 81 câu lạc bộ (CLB) bóng bàn ở 63 tỉnh, thành phố và các ngành đang là thành viên Liên đoàn. Trên thực tế, số CLB bóng bàn trên cả nước còn nhiều hơn rất nhiều so với đăng ký.

Riêng tại Hà Nội, hiện có khoảng 1.000 CLB bóng bàn với quy mô sáu đến tám bàn bóng (bình quân khoảng 50 người/CLB tham gia tập luyện ít nhất hai buổi/tuần). Các CLB chỉ có một bàn bóng với khoảng 10 thành viên còn nhiều hơn. Những con số thống kê sơ bộ này cho thấy bóng bàn là môn thể thao có số người tham gia đông thứ hai, chỉ sau môn chạy bộ.

Từ các CLB mang tính tự phát, phong trào bóng bàn trên cả nước đang dần được hệ thống hóa. Các CLB tự phát thành lập trong thời gian gần đây đều tự trang bị hệ thống cơ sở vật chất tốt, có đủ cả thảm trải sàn. Hệ thống tập luyện và thi đấu bóng bàn ngày càng được chuẩn hóa, giúp hệ thống đào tạo phong trào trở nên bài bản hơn. Hầu hết, các tòa nhà chung cư mới xây tại các khu đô thị lớn hiện đều có CLB bóng bàn, thu hút đông đảo người tham gia tập luyện và thi đấu.

Ông Phan Anh Tuấn, phụ trách bộ môn bóng bàn của Cục Thể dục-Thể thao, kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cho biết, tại tất cả các tỉnh, thành phố hiện nay đều đã phát triển hệ thống thi đấu từ các lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên cho đến người cao tuổi.

Theo thống kê của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, mỗi năm số lượng bàn bóng bán ra thị trường tăng lên đều đặn. Cụ thể, số lượng bàn bóng tăng thêm hằng năm trong 5 năm gần đây được thống kê là: bàn bóng có giá bán hơn 30 triệu đồng/chiếc tăng thêm hơn 50 chiếc/năm; bàn bóng giá từ 18-25 triệu đồng/chiếc tăng hơn 400 chiếc/năm; bàn bóng giá 16-18 triệu đồng/chiếc tăng khoảng 5.000 chiếc/năm; bàn bóng giá 10-16 triệu đồng/chiếc tăng khoảng 8.000 chiếc/năm.

Riêng loại bàn bóng giá dưới 10 triệu đồng/chiếc thì tăng hàng chục nghìn chiếc mỗi năm. Trong các năm từ 2017-2020, lượng bàn bóng cung cấp ra thị trường tăng khoảng 112%/năm; riêng hai năm 2020-2021, số bàn bóng bán ra tăng đột biến tới 472%/năm.

Một trong những yếu tố giúp phong trào bóng bàn nghiệp dư phát triển là sự quan tâm của truyền thông trong nước. Bóng bàn là một trong số rất ít môn thể thao được truyền hình trực tiếp ở hầu hết các giải đấu, từ bóng bàn phong trào đến các giải thi đấu chuyên nghiệp đỉnh cao trong nước, khu vực và thế giới. Chẳng hạn như tại Giải bóng bàn vô địch quốc gia do Báo Nhân Dân tổ chức hằng năm, đã có nhiều đơn vị truyền thông (như Lâm Làng Sét (bóng bàn thế giới), Table Tennis Review...) tường thuật tất cả các buổi thi đấu tại giải.

Mặc dù phong trào phát triển, số người chơi bóng bàn tăng nhanh, nhưng số vận động viên (VÐV) thi đấu đỉnh cao trong 5 năm gần đây hầu như ổn định trong khoảng 160 VÐV của khoảng 20 đơn vị. Năm nay - lần thứ 41 tổ chức Giải bóng bàn vô địch quốc gia Báo Nhân Dân (trước đây mang tên Giải vô địch bóng bàn toàn quốc) - Ban Tổ chức ghi nhận số VÐV có khả năng giành huy chương vẫn chỉ tập trung ở một số đoàn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quân đội, Công an nhân dân... là những đơn vị lâu nay duy trì được hệ thống đào tạo năng khiếu bóng bàn chuyên nghiệp từ lứa tuổi nhi đồng trở lên.

Theo ghi nhận từ các đơn vị kể trên, việc tuyển chọn VÐV bóng bàn năng khiếu ngày càng khó khăn. Tìm kiếm một tài năng bóng bàn đã khó, giữ chân các em tập bóng bàn hướng tới trình độ đỉnh cao quốc gia và quốc tế càng khó hơn. Ngay cả những đơn vị có tiềm năng về kinh tế như CLB Hà Nội T&T vẫn có không ít VÐV bỏ cuộc giữa chừng vì nhiều lý do.

Cách đây khoảng 5 năm, bóng bàn khu vực Ðông Nam Á bị khuynh đảo bởi các tay vợt nhập tịch từ Trung Quốc, nhưng hiện nay các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia đều tăng cường đào tạo các VÐV trẻ bản địa. Trên bảng xếp hạng bóng bàn trẻ thế giới, ba quốc gia nêu trên đều có hàng chục VÐV xếp trong tốp 1.000 thế giới.

Tại giải bóng bàn trẻ Ðông Nam Á 2023 (tổ chức hồi tháng 6 vừa qua tại Brunei), Việt Nam đã giành được Huy chương vàng đơn nam (của VÐV Nguyễn Hoàng Lâm) cùng một số Huy chương đồng ở nội dung đồng đội nam U19, đồng đội nữ U19, đôi nữ U19, đơn nam U17, đôi nam nữ U19, đơn nam U15. Tuy nhiên, các VÐV giành huy chương này của Việt Nam đều chưa có tên trên bảng xếp hạng bóng bàn trẻ thế giới. Nguyên nhân chính là các VÐV trẻ có quá ít cơ hội cọ xát quốc tế, do một phần chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng chủ yếu là do khó khăn về kinh phí để có thể tham gia thi đấu.

Hai kỳ SEA Games gần đây, bóng bàn Việt Nam đều giành Huy chương vàng ở nội dung đơn nam (Nguyễn Ðức Tuân - năm 2022), đôi nam nữ (Ðinh Anh Hoàng/Trần Mai Ngọc - năm 2023) cho thấy trình độ bóng bàn Việt Nam vẫn đang giữ được vị trí tốp đầu trong khu vực. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tăng cường đầu tư đào tạo ở tuyến trẻ thì nguy cơ tụt hậu là khó tránh khỏi.

Các nội dung đánh đơn tại SEA Games hầu như không có cơ hội cho VÐV đội tuyển bóng bàn Việt Nam hiện tại giành ngôi vô địch, nhất là nội dung đơn nữ; vì thế bóng bàn đỉnh cao Việt Nam chỉ hy vọng vào vài năm tới, khi lứa VÐV trẻ hiện nay trưởng thành. Và điều này cũng thật sự khó khăn khi các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia đã và đang đầu tư rất tốt cho tuyến VÐV trẻ với những chuyến tập huấn và thi đấu quốc tế quanh năm, thì VÐV Việt Nam còn chưa đủ kinh phí để thi đấu các giải trẻ, chứ đừng nói gì đến việc tập huấn, cọ xát ở nước ngoài.