Các đơn vị y tế phối hợp chuyển bệnh nhân về từ Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 về Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn điều trị. |
Tại thời điểm kiểm tra Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2, phố Tân Ấp, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, toàn bộ khu vực dẫn vào bệnh viện bị ngập sâu, tầng một của bệnh viện có hiện tượng ngập nước.
Theo báo cáo của bệnh viện, để bảo đảm an toàn, bệnh viện đã thông tin đến người bệnh, gia đình người bệnh tình hình ngập lụt, bố trí giường bệnh và di chuyển bệnh nhân lên tầng 2 để tiếp tục điều trị; tiếp tục chủ động các biện pháp bảo vệ tài sản, máy móc, thiết bị, vật tư y tế. Đáng mừng, đến nay công tác khám chữa bệnh của bệnh viện được duy trì nghiêm túc, không có thiệt hại xảy ra.
Ngay trong sáng 11/9, Sở Y tế Hà Nội đã huy động sự hỗ trợ, phối hợp chuyển bệnh nhân điều trị ngoại khoa của Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 về Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; bệnh nhân điều trị thận của bệnh viện về Bệnh viện Thận Hà Nội và chuyển một số bệnh nhân khó khăn trong đi lại, sinh hoạt về Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 1 để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh và nhân viên y tế.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng kiểm tra tại Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai. |
Tại buổi kiểm tra, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng đề nghị Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 phải tiến hành thống kê, rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, chủ động công tác vệ sinh môi trường, quản lý chất thải y tế và sẵn sàng công tác ứng trực, khám chữa bệnh phục vụ nhân dân kịp thời, hiệu quả.
* Sáng cùng ngày, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương dẫn đầu tiến hành kiểm tra công tác đáp ứng y tế tại Trạm y tế phường Phúc Xá (quận Ba Đình); công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được sơ tán đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên quận Ba Đình (cơ sở 2).
Tại thời điểm kiểm tra (lúc 10 giờ 30 phút), mực nước sông Hồng dâng cao làm một số đoạn đường trên phố Nghĩa Dũng, nơi có trạm y tế phường Phúc Xá ngập sâu trong nước, nước đã mấp mé mặt sân của trạm y tế và dự kiến nước còn lên cao hơn nữa.
Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương trao đổi với các bộ y tế ứng trực chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. |
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu trạm cần tổ chức di chuyển ngay các trang thiết bị y tế, tài sản lên vị trí cao hơn; chuẩn bị sẵn sàng đủ cơ số thuốc phòng, chống dịch bệnh, phòng chống mưa lũ. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh trong mùa mưa lũ, xử lý nguồn nước để có nước sạch ăn uống và sinh hoạt.
Trong khi đó, kiểm tra công tác chăm sóc sức khỏe cho những người dân được sơ tán đến tránh trú Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên quận Ba Đình, với hơn 30 người dân được sơ tán đến phần lớn là người cao tuổi, không nơi nương tựa. Tất cả những người này đều được cán bộ y tế thăm khám sức khỏe và cấp thuốc điều trị miễn phí khi mắc bệnh.
Ngày 11-9, Sở Y tế Hà Nội có Công văn khẩn số 293/SYT-NVY về việc bảo đảm công tác đáp ứng y tế và khắc phục hậu quả sau bão số 3 (bão Yagi) gửi các đơn vị trực thuộc.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị Giám đốc các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện công tác thường trực 4 cấp; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư y tế để ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, để xử trí cấp cứu người bệnh kịp thời.
Tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn, đặc biệt là nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi do ảnh hưởng của mưa lớn sau bão để chủ động triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Mặt khác, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu bốn bệnh viện hạng I, gồm: Bệnh viện Thanh Nhàn; đa khoa Xanh Pôn; đa khoa Đức Giang; đa khoa Hà Đông hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện đa khoa hạng II và trung tâm y tế trên địa bàn.
Đặc biệt, đối với bệnh nhân nặng, nguy kịch cần hội chẩn các chuyên khoa đầu ngành, lập các nhóm zalo giữa các cấp chuyên môn để được hỗ trợ, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh kịp thời.
Trường hợp bệnh nhân nặng cần chuyển viện, căn cứ vào tình trạng người bệnh và tình hình thời tiết (mưa, ngập lụt...), đơn vị có thể chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất, phù hợp để bảo đảm an toàn cho người bệnh.