Chưa đề xuất mức thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư

Tran Huy
Trong từng thời kỳ, Nhà nước có quyền điều chỉnh tăng hoặc giảm mức phí đường cao tốc được đầu tư bằng ngân sách để đảm bảo cân đối lợi ích của người sử dụng.

Mức thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ được xác định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với chất lượng dịch vụ đường cao tốc và khả năng chi trả của người dân. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Mức thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ được xác định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với chất lượng dịch vụ đường cao tốc và khả năng chi trả của người dân. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến thu phí cao tốc do ngân sách đầu tư, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết bộ chưa đề xuất mức thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Mức thu phí sẽ được xác định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với chất lượng dịch vụ đường cao tốc và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc.

Chủ động tăng, giảm mức phí

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong danh mục các loại phí thuộc lĩnh vực đường bộ chưa có quy định về phí sử dụng đường bộ thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư (bao gồm cả các đoạn đường bộ do Nhà nước đầu tư trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông).

Do đó, để sớm triển khai việc thu phí trong bối cảnh các dự án đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư đã và đang gấp rút hoàn thành, thông xe, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất trong phương án để Chính phủ xem xét trình Quốc hội chấp thuận việc bổ sung Danh mục phí và lệ phí khoản phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Sau khi Quốc hội thông qua ban hành Nghị quyết cho phép thu phí, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức thu, nộp, quản lý, sử dụng đối với từng tuyến/đoạn tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

“Thực hiện theo phương án trên thì mới đảm bảo việc tổ chức lập Đề án khai thác và thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông được thực hiện kịp thời,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

[Vì sao phải thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư?]

Phía Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra nguyên tắc xác định mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.

Chua de xuat muc thu phi duong bo cao toc do Nha nuoc dau tu hinh anh 1

Nhà nước có quyền điều chỉnh tăng hoặc giảm mức phí để đảm bảo cân đối lợi ích của người sử dụng và khả năng của ngân sách. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

So với phương án thu giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận mức giá dịch vụ phải đảm bảo bù đắp đủ giá thành, việc điều chỉnh mức phí sử dụng đường cao tốc thuộc thẩm quyền của Nhà nước, có thể điều chỉnh để phù hợp với chính sách kinh tế-xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, không bắt buộc phải bù đắp đủ chi phí đầu tư ban đầu. Trong từng thời kỳ, Nhà nước có quyền điều chỉnh tăng hoặc giảm mức phí để đảm bảo cân đối lợi ích của người sử dụng và khả năng của ngân sách.

Mặt khác, việc quyết định thu theo cơ chế phí cũng phù hợp, thuận lợi cho Nhà nước thực hiện vai trò điều tiết, giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp khi có khó khăn thiên tai dịch họa bất khả kháng như dịch bệnh thời gian qua đồng thời cũng phù hợp với chính sách hỗ trợ vùng miền có khó khăn, khi lưu lượng xe thấp cần khuyến khích thì Nhà nước chủ động quyết định giảm phí, hỗ trợ địa phương.

Không làm phát sinh “phí trùng phí”

Khẳng định việc thu phí cao tốc do ngân sách đầu tư là cần thiết, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng thu tuyến nào, tuyến nào không thu cần khảo sát, đánh giá kỹ.

Mức thu phí cao tốc 2 làn xe hoặc 4 làn xe hạn chế không thể cao bằng với cao tốc 6 làn xe có chất lượng đường, vận tốc thiết kế cao hơn," ông Quyền nói.

Trả lời đến việc người dân phải chi trả cùng lúc 2 loại phí là phí cao tốc và phí bảo trì đường bộ có ý kiến cho rằng là “phí trùng phí”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải phân tích, hình thức thu phí sử dụng đường bộ đang áp dụng hiện tại (thu phí sử dụng đường bộ hàng năm qua đầu phương tiện) chưa phân loại được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc (được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn như tiết kiệm thời gian và quãng đường lưu thông; tiết kiệm chi phí vận tải; tiết kiệm nhiên liệu; giảm khấu hao tài sản; an toàn khi lưu thông….)

Khi sử dụng đường cao tốc, người tham gia giao thông trả thêm một khoản phí ngoài phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện để sử dụng chất lượng dịch vụ tốt hơn, được hưởng lợi ích cao hơn so với sử dụng đường bộ thông thường là phù hợp và có cơ sở.

Chua de xuat muc thu phi duong bo cao toc do Nha nuoc dau tu hinh anh 2

Các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, chủ xe có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ giao thông đường bộ thông thường. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngoài ra, các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, chủ xe có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ giao thông đường bộ thông thường (tham gia giao thông trên đường quốc lộ và chỉ phải trả phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện) hoặc sử dụng dịch vụ giao thông đường bộ có chất lượng cao hơn (tham gia giao thông trên đường cao tốc và trả thêm phí sử dụng đường bộ cao tốc thu qua trạm thu phí).

“Do đó, việc tổ chức thu phí sử dụng đường cao tốc trên các đoạn cao tốc do nhà nước đầu tư không trùng với phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện mà còn cho phép người tham gia giao thông được lựa chọn sử dụng hình thức dịch vụ phù hợp,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ./.

Việt Hùng (Vietnam+)