Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ phiên 14/2 đã phục hồi sau đợt giảm mạnh trong phiên trước đó khi các nhà giao dịch tìm kiếm các hợp đồng giá rẻ, xem xét số liệu lạm phát thấp hơn dự kiến của Anh và “phớt lờ” sự sụt giảm ở những thị trường khác.
Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên 38.424,27 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1% lên 5.000,62 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,3% lên 15.859,15 điểm.
Trong khi đó, tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,8% lên 7.568,40 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,7% lên 7.677,35 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 0,4% lên 16.945,48 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,4% lên 4.709,22 điểm.
Chứng khoán ở cả hai bờ Đại Tây Dương đã sụt giảm trong phiên 13/2 sau khi Mỹ công bố lạm phát trong tháng 1/2024 tăng cao hơn dự kiến.
Điều đó đã "giáng một đòn mạnh" vào hy vọng sớm cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và khiến các chỉ số chứng khoán châu Á hầu như giảm trong phiên 14/2.
Trong khi chứng khoán châu Âu và phố Wall đã thoát khỏi mức giảm hơn 1% và giao dịch trong vùng xanh.
Các chỉ số chứng khoán của Phố Wall đã đạt mức cao mới trong những tháng gần đây nhờ kỳ vọng rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất và báo cáo thu nhập vượt trội từ các công ty công nghệ.
Ông David Morrison, nhà phân tích cấp cao tại Trade Nation, cho biết tâm lý lạc quan chiếm ưu thế nhờ sự vững mạnh của nền kinh tế Mỹ và tình hình việc làm lành mạnh trên khắp nước Mỹ, Vương quốc Anh và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2024 cho thấy lạm phát của Mỹ đang giảm, mặc dù không nhanh như thị trường kỳ vọng.
Ông Morrison cho biết các thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào giữa năm nay và sẽ cắt giảm lãi suất ít lần hơn.
Sau khi thị trường đóng cửa phiên 14/2, một quan chức cấp cao của Fed cho biết ngân hàng trung ương Mỹ nên thận trọng về thời điểm cắt giảm lãi suất.
Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của Fed Michael Barr bày tỏ "tin tưởng" rằng lạm phát đang quay trở lại mức 2%. Song thị trường cần tiếp tục ghi nhận dữ liệu tốt trước khi có thể bắt đầu quá trình giảm lãi suất.
Hiện mọi sự chú ý đang hướng đến số liệu về giá sản xuất của Mỹ vào cuối tuần này.
Nhà phân tích Craig Erlam của công ty tài chính OANDA cho biết số liệu công bố ngày 14/2 cho thấy lạm phát ở Anh ổn định ở mức 4% trong tháng 1/2024, giúp bù đắp một số lo ngại về việc Mỹ trì hoãn cắt giảm lãi suất.
Các nhà giao dịch châu Á đã “tháo chạy” sau dữ liệu lạm phát của Mỹ, với chứng khoán Tokyo, Sydney, Singapore, Seoul, Wellington, Mumbai và Bangkok đều giảm mạnh trong phiên 14/2. Tuy nhiên, chứng khoán Hong Kong đã phục hồi khi mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.
Cổ phiếu của các “gã khổng lồ” công nghệ dẫn đầu thị trường với hy vọng Trung Quốc sẽ công bố các biện pháp tiếp theo để hỗ trợ thị trường và nền kinh tế trong nước./.