Đề xuất xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự

Ban Tư vấn Pháp luật
Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự nhằm hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự theo hướng hiện đại, khả thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế.
ds-17259659778921520049097-1726021236.jpg
Bộ Tư pháp đề xuất xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự

Bộ Tư pháp cho biết, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự là một trong bốn luật được tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Trong quá trình tổng kết Luật Tương trợ tư pháp phần nội dung tương trợ tư pháp về dân sự, Bộ Tư pháp nhận thấy bên cạnh những bất cập chung của Luật Tương trợ tư pháp, quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự còn những hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu mới của sự phát triển trong lĩnh vực này, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết, tham gia nhiều điều ước quốc tế mới trong lĩnh vực này cũng như trước các đổi mới về thích ứng linh hoạt sau đại dịch COVID-19 và tận dụng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, có thể kể đến như:

Một là, Luật Tương trợ tư pháp hiện hành chưa bao hàm hết các phạm vi tương trợ tư pháp hiện nay, cụ thể phạm vi điều chỉnh của Luật Tương trợ tư pháp không bao gồm tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hành chính nhưng thực tiễn thực hiện có nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp để phục vụ giải quyết các vụ án hành chính.

Hai là, việc điều chỉnh hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự chủ yếu mang tính quy trình, thủ tục ở nhiều cấp văn bản không thuận lợi cho việc áp dụng.

Ba là, thiếu quy định về giá trị pháp lý của kết quả tương trợ tư pháp do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện cũng như quy định về áp dụng pháp luật nước ngoài.

Bốn là, Luật Tương trợ tư pháp chưa quy định việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế tương trợ tư pháp về dân sự trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết, gia nhập nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương mới về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự gần đây như Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt), Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước thu thập chứng cứ).

Năm là, Luật Tương trợ tư pháp chưa tạo cơ chế để từng bước xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ để giảm tải công việc cho cơ quan nhà nước và rút ngắn thời gian thực hiện.

Sáu là, Luật Tương trợ tư pháp thiếu cơ sở pháp lý để đa dạng các phương thức thực hiện tương trợ tư pháp mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.

Chính vì vậy, theo Bộ Tư pháp, việc xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự là yêu cầu cấp thiết khách quan nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự, đáp ứng yêu cầu của công tác này trong tình hình mới.

Luật Tương trợ tư pháp về dân sự được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, kế thừa các quy định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự còn phù hợp của Luật Tương trợ tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, bổ sung các nội dung mới, cụ thể, chi tiết đáp ứng các yêu cầu phát triển của hội nhập quốc tế và yêu cầu, đặc thù riêng của hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.

Đề xuất mở rộng thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự

Tại dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, đối với quy định "Thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam" tại Chương II, Bộ Tư pháp cho biết, các quy định của Chương này kế thừa quy định của Chương II của Luật Tương trợ tư pháp và nâng cấp một số quy định của Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư Pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự lên thành luật (Điều 10, Điều 11) và bổ sung một số nội dung để cụ thể hoá chính sách đã được phê duyệt.

Cụ thể, tại Điều 10 quy định thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam, Bộ Tư pháp đã đề xuất mở rộng thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự so với quy định hiện hành, theo đó, Bộ đề xuất: Cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam là Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Giảm bớt thủ tục hành chính

Bộ Tư pháp cho biết, tại dự thảo, Bộ đề xuất giảm bớt một loại văn bản bắt buộc trong hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự so với quy định tại Luật Tương trợ tư pháp hiện hành.

Cụ thể, theo Luật hiện hành, hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự phải có các văn bản sau đây: 1- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự; 2- Văn bản ủy thác tư pháp về dân sự quy định tại Điều 12 của Luật này; 3- Giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước được ủy thác.

Theo dự thảo, hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam bao gồm: 1- Văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự quy định tại Điều 12 của Luật này; 2- Giấy tờ về việc nộp chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự.

Dự thảo nêu rõ, ngoài các giấy tờ trên, hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự có thể bao gồm các giấy tờ sau: 1- Giấy tờ liên quan đến yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự; 2- Giấy tờ theo quy định pháp luật của nước được yêu cầu.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.