Di dời đàn khỉ quý hiếm ở đảo Hòn Trà đến Vườn quốc gia Kon Ka Kinh

Tran Huy
Ngày 10/8, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch di dời đàn khỉ vàng (Macaca Mulatta), thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm (nhóm IIB), cư trú ở đảo Hòn Trà, thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đến Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai).
Hằng ngày, đàn khỉ quý hiếm tại đảo Hòn Trà được cụ bà Nguyễn Thị Chất cho ăn và chăm sóc.
Hằng ngày, đàn khỉ quý hiếm tại đảo Hòn Trà được cụ bà Nguyễn Thị Chất cho ăn và chăm sóc.

Theo Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, mục đích việc di dời đàn khỉ quý hiếm tại đảo Hòn Trà về Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là để tạo điều kiện cho đàn khỉ tiếp tục sinh trưởng, phát triển trong môi trường sinh thái tự nhiên, phù hợp hơn với đặc điểm của loài; hạn chế giao phối cận huyết dẫn đến giảm sức sống trong tương lai cho đàn khỉ.

Đồng thời, ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột giữa đàn khỉ và con người ở khu vực chung quanh đảo Hòn Trà, bởi tập tính của loài khỉ và diện tích đảo quá nhỏ (khoảng 1,5ha), nên nguồn thức ăn tự nhiên không đủ khi số lượng cá thể khỉ ngày càng tăng theo tự nhiên; ngăn chặn nguy cơ xảy ra các hành vi săn bắn, bẫy, bắt trái phép các cá thể khỉ tại đảo Hòn Trà.

Để công tác di dời đàn khỉ bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, hạn chế tối đa về thương tật gây ra cho người và khỉ trong quá trình di dời, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu việc di dời đàn khỉ về rừng tự nhiên phải bảo đảm phù hợp với môi trường sống và vùng phân bố của loài.

Trong quá trình di dời, các đơn vị có liên quan phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tốt nội dung kế hoạch, làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân thôn Sơn Trà, để cộng đồng ủng hộ và phối hợp, hạn chế gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân tại địa phương.

Theo kế hoạch đã ban hành, công tác di dời đàn khỉ quý hiếm diễn ra trong năm 2023, do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng, địa phương liên quan và chuyên gia linh trưởng (Trung tâm GreenViet) thực hiện.

Theo đó, kế hoạch được chia thành nhiều bước triển khai thực hiện với từng mốc thời gian cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là bước thực hiện bẫy, bắt đàn khỉ đồng thời theo 2 phương pháp “đặt bẫy” kết hợp với “trộn thuốc mê vào thức ăn”.

Đối với quá trình bẫy bắt khỉ sẽ sử dụng đồng thời, cùng lúc 2 phương pháp: phương pháp đặt bẫy lồng kết hợp với phương pháp trộn thuốc mê vào thức ăn. Cả 2 phương pháp này đều sử dụng thức ăn để dẫn dụ khỉ.

Trước khi bẫy bắt khỉ sẽ thông báo, tuyên truyền người dân không cho khỉ ăn trong 3 ngày để khỉ bị đói, dễ dẫn dụ khỉ đến vị trí bố trí thức ăn. Sau đó, đặt bẫy ở những khu vực khỉ thường xuất hiện từ 5 giờ sáng đến 17 giờ cùng ngày, sử dụng thức ăn là các loại trái cây để dẫn dụ khỉ vào bẫy.

Đồng thời, sử dụng thức ăn như trên trộn thuốc mê cho khỉ trưởng thành ăn và đợi đến lúc khỉ ngấm thuốc mê, tùy điều kiện tình hình mà sử dụng các dụng cụ bắt khỉ phù hợp (lưới, vợt …), sao cho sự tổn thương ở khỉ là thấp nhất.

Được biết, năm 2022, qua điều tra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi xác định, đàn khỉ vàng tại đảo Hòn Trà gồm 8 cá thể, trong đó có 1 cá thể bị cụt chi trước phía bên trái. Đàn khỉ này cư trú tách biệt trên đảo Hòn Trà, hằng ngày được cụ bà Nguyễn Thị Chất cho ăn và chăm sóc.

HIỂN CỪ