May hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần may xuất khẩu Gia Tộc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Theo báo cáo tăng trưởng kinh tế do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện, trong thời kỳ hội nhập, nhiều doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn các chiến lược tăng trưởng phù hợp với mô hình tổ chức, văn hóa truyền thống và tôn chỉ đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, chiến lược tăng trưởng liên kết là khá phù hợp với mục tiêu và chiến lược dài hạn của số đông doanh nghiệp. Nó cho phép doanh nghiệp củng cố vị thế cạnh tranh và phát huy được khả năng cũng như các nguồn lực của doanh nghiệp.
Chiến lược này có thể phân loại căn cứ vào đối tượng hội nhập hoặc hình thức hội nhập.
Đa số các doanh nghiệp của Việt Nam do quy mô nhỏ, lại bố trí phân tán và thiếu sự liên kết chặt chẽ với nhau nên thường bị các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh gay gắt.
Nếu không tìm cách hội nhập để tăng trưởng, chủ động trong kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình, các doanh nghiệp trong nước sẽ không thể tăng vị thế của mình trong xu hướng hội nhập.
Ngoài ra, còn có chiến lược tăng trưởng bằng sáp nhập. Là hình thức mà hai hay nhiều hãng sáp nhập lại với nhau thành một công ty mới để cùng chia sẻ các nguồn lực nhằm mục tiêu giành được thế lực mạnh hơn trong cạnh tranh.
Chiến lược này thường được thực hiện qua sự thỏa thuận giữa các hãng tự nguyện hợp nhất với nhau để thành lập nên một hãng mới với tên gọi mới.
Chiến lược sáp nhập thực sự đem lại hiệu quả khi sự hợp nhất đó dựa trên nền tảng các doanh nghiệp cùng có lợi thế cạnh tranh về tổ chức sản xuất, về kỹ thuật công nghệ cao, có trình độ nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới và hoạt động marketing hiệu quả.
Nó cũng có hiệu quả khi các doanh nghiệp sáp nhập có các lợi thể bổ sung cho nhau, tạo nên khả năng cạnh tranh mạnh hơn và có nhiều lợi thế hơn trong kinh doanh cho các doanh nghiệp mới.
Tăng trưởng bằng sáp nhập có hai hình thức: Sáp nhập theo chiều ngang và Sáp nhập theo chiều dọc.
Sáp nhập theo chiều ngang là chiến lược tìm cách thỏa thuận sáp nhập hai hay nhiều hãng đối thủ cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả về quy mô để tăng cường trao đổi và khai thác triệt để các nguồn lực và tăng vị thế.
Tuy nhiên, có nhiều nhà quản trị cho rằng thực hiện chiến lược sáp nhập theo chiều ngang thường có nhiều khó khăn trong công tác điều hành và vấn đề nhân sự, còn sáp nhập theo chiều dọc là cách thỏa thuận sáp nhập các hãng cung ứng các yếu tố đầu vào hoặc các hãng nằm trong kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
Chiến lược sáp nhập theo chiều dọc còn được chia ra sáp nhập dọc về phía trước và sáp nhập dọc về phía sau.
Chiến lược sáp nhập dọc về phía sau là thỏa thuận sáp nhập với các hãng cung cấp các yếu tố đầu vào để tăng cường sự kiểm soát đối với nguồn cung ứng.
Mục đích là nắm các nhà cung ứng nguyên vật liệu, phụ tùng trang thiết bị, tiền vốn và lao động... để hoàn toàn chủ động về số lượng và chất lượng, thời gian cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đây là cách tốt nhất để đảm bảo việc cung cấp vật tư một cách chắc chắn từ phía doanh nghiệp cung ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến lâm hải sản, chế biến chè, càphê... Khi thực hiện chiến lược này sẽ làm cho hoạt động quản trị phức tạp hơn, khó năng động.
Chiến lược sáp nhập dọc về phía trước là thỏa thuận sáp nhập với các hãng nằm trong kênh tiêu thụ sản phẩm để tăng cường sự kiểm soát mạng lưới tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
Chiến lược này có sức hấp dẫn khi các mức tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp có sự tăng trưởng nhanh. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu thì sáp nhập dọc về phía trước tạo khả năng đa dạng hoá sản phẩm và như vậy tránh được sự cạnh tranh gay gắt về giá.
Ví dụ như các Công ty dệt nhờ có các doanh nghiệp may nên số lượng và chủng loại vải được tiêu thụ nhanh, hạn chế sự cạnh tranh, ổn định được sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên việc tăng trưởng bằng sáp nhập thường đòi hỏi phải xây dựng một cơ cấu tổ chức mới và nhiều hoạt động quản trị trong doanh nghiệp đòi hỏi phải có sự thay đổi.
Mặt khác, nó cũng sẽ dẫn đến việc tăng chi phí quản lý hành chính. Vì vậy, chiến lược này thường chỉ áp dụng khi việc sáp nhập thực sự đem lại hiệu quả cao so với trước khi hợp nhất.
Song song đó, còn có chiến lược tăng trưởng bằng liên doanh. Là hình thức tăng trưởng mà trong đó hai hay nhiều hãng liên doanh với nhau để cùng chia sẻ về chi phí, rủi ro và lợi nhuận trong việc khai thác hoặc tận dụng những cơ hội kinh doanh mới.
Các doanh nghiệp liên doanh cùng góp vốn để thực hiện một dự án hợp tác trong cùng một lĩnh vực kinh doanh đã chọn.
Chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu tại Công ty TNHH Hùng Cá, Thanh Bình, Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Thường việc liên doanh diễn ra khi hai hay nhiều hãng hợp lực để thực hiện một công việc nào đó mà từng hãng riêng lẻ không thể làm được trong khi quyền sở hữu của các bên vẫn giữ nguyên.
Tăng trưởng bằng liên doanh phù hợp với quy luật tích tụ và tập trung vốn để mở rộng quy mô sản xuất, hình thành các tập đoàn sản xuất kinh doanh đủ mạnh, đủ sức để chi phối một vấn đề nào đó trên thị trường quốc tế, thị trường trong nước và khu vực mà một doanh nghiệp không thể giải quyết được.
Liên doanh có nhiều dạng khác nhau như: Liên doanh tên hãng; Liên doanh cùng nghiên cứu cải tiến sản phẩm; Liên doanh cùng sản xuất; Liên doanh về thỏa thuận cung cấp vật tư dài hạn; Liên doanh về hoạt động marketing; Liên doanh về công nghệ.
Ngày nay, các hình thức liên doanh ngày càng đa dạng và phong phú. Chiến lược liên doanh có thể tiến hành dài hạn hoặc ngắn hạn, có thể liên doanh với các hãng trong nước hoặc liên doanh quốc tế và được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau như: chính trị, kinh tế hoặc vì kỹ thuật công nghệ.
Chiến lược liên doanh có hai tác dụng. Thứ nhất, do các bên liên doanh vẫn giữ độc lập riêng biệt nên chi phí quản lý hành chính không tăng lên nhiều. Thứ hai, mỗi bên liên doanh đều thu được lợi ích nhất định từ liên doanh và cùng chia sẻ rủi ro. Nhược điểm của chiến lược này là thành viên có lợi thế hơn sẽ giành được nhiều lợi ích hơn các thành viên khác trong liên doanh.
Căn cứ vào thực tiễn tại Việt Nam, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report nhận định, các doanh nghiệp trong nước thường có quy mô quá nhỏ lại phân tán, kỹ thuật sản xuất lạc hậu, công nghệ lỗi thời, vốn ít, lực lượng lao động chưa đủ trình độ để quản lý nền đại công nghiệp...
Vì vậy, nếu các doanh nghiệp không biết liên doanh liên kết để cùng nhau sản xuất kinh doanh thì khó có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
Càng không đủ khả năng liên doanh với nước ngoài để phát triển kinh tế Việt Nam và kinh doanh quốc tế. Do đó, các nhà lãnh đạo lựa chọn chiến lược tăng trưởng và phát triển nào tuỳ thuộc vào năng lực và tư duy lãnh đạo
Những công ty thiết lập các chiến lược tăng trưởng để phù hợp với các mục tiêu và lộ trình tăng trưởng có sẵn sẽ có nhiều khả năng đạt được mức tăng trưởng có lợi nhuận cao hơn 97% so với các công ty khác.
Quan trọng nhất là lộ trình và kế hoạch tăng trưởng toàn diện cần kích hoạt ba hướng đi là mở rộng hoạt động kinh doanh cốt lõi, mở rộng sang các thị trường và khu vực lân cận mới, đồng thời theo đuổi có mục đích các cơ hội tăng trưởng đột phá thông qua xây dựng doanh nghiệp mới hoặc mua bán và sáp nhập.
Các công ty thành công nhất có thể cân bằng và sắp xếp các lựa chọn tăng trưởng này để đáp ứng với môi trường hoạt động đang thay đổi, những tiến bộ trong công nghệ cũng như các nhu cầu và sở thích mới nổi của khách hàng, ông Vinh nhấn mạnh./.
Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)