Số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng cao, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến đã có sự khởi sắc.
Với những tín hiệu tích cực của thị trường trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp đang tận dụng thời cơ để tăng tốc, hoàn thành cao nhất các mục tiêu sản xuất-kinh doanh trong năm nay.
Nhiều kết quả nổi bật
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2024 ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,5%).
Nổi bật là ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%), đóng góp 5,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngoài ra, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 6,2%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Những đóng góp trên cũng được thể hiện qua kết quả hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều ngành hàng chủ chốt, như dệt may, da giày, linh kiện máy móc phụ tùng… đều đạt mức tăng trưởng cao.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày-túi xách Việt Nam (Lefaso) thông tin, năm 2023 ngành da giày chịu ảnh hưởng tác động lớn của suy giảm kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều thách thức như đơn hàng bị cắt giảm, chi phí đầu vào tăng cao, dẫn đến phải thu hẹp sản xuất và giảm giờ làm, ảnh hưởng lớn tới doanh thu của doanh nghiệp và công ăn việc làm của người lao động. Song các doanh nghiệp trong ngành vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 24 tỷ USD trong năm 2023, góp phần lớn vào tăng trưởng xuất khẩu chung của Việt Nam.
“Việt Nam là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Quý I/2024 xuất khẩu toàn ngành da giày đã đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Đặc biệt, da giày là ngành tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP,” đại diện Lefaso nói.
Còn theo đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), tổng tiêu thụ thép thành phẩm của Tổng Công ty trong quý 1 đạt trên 724,5 nghìn tấn tăng 9% so với cùng kỳ, riêng mặt hàng thép cán nguội tăng 100%; tôn mạ tăng 61 % so với cùng kỳ năm 2023.
Tính riêng trong tháng 3/2024, tiêu thụ thép thành phẩm của VNSteel đạt trên 243,1 nghìn tấn, trong đó thép cán dài đóng góp trên 143,7 nghìn tấn, thép cán nguội trên 70,7 nghìn tấn và tôn mạ trên 28,6 nghìn tấn.
"Hầu hết các đơn vị trong hệ thống đã có hiệu quả, bám sát các mục tiêu của quý cũng như tiến độ kế hoạch đã đề ra," đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay.
Tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng
Kết quả tích cực của các doanh nghiệp còn thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo trong 4 tháng đầu năm tăng tới 14,5%, thu về khoảng 104,65 tỷ USD, trong đó nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt mức tăng trưởng cao, như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 63,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 34,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,7%; sắt thép các loại tăng 20,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 10%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 9,9%...
Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tăng tích cực ở các địa phương chủ lực, khi có 54 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, Phú Thọ tăng 29,6%; Bắc Giang tăng 24,1%; Hà Nam tăng 15,5%; Bình phước tăng 15,2%);
Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước: thép thanh, thép góc tăng 35,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 25,1%; thép cán tăng 20,2%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 15,7%; sữa bột tăng 11,8%; điện sản xuất tăng 11,4%.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ Công Thương, sản xuất công nghệp và hoạt động thương mại vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề cần theo dõi sát để kịp thời xử lý. Cụ thể hơn là sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện (còn 09/63 địa phương có IIP giảm), trong đó có địa phương trọng điểm về sản xuất công nghiệp có IIP giảm (như Bắc Ninh giảm 5,5%).
Mặt khác, chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tại một số địa phương giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (Hòa Bình giảm 51,7%; Sơn La giảm 46,2%; Quảng Ninh giảm 23,7%; Lai Châu giảm 16,6%); một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (khí hóa lỏng giảm 20,4%; tivi giảm 11,1%; sắt, thép thô giảm 7,9%; linh kiện điện thoại giảm 7,2%; điện thoại di động giảm 2,8%).
Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản. Bộ Công Thương cũng tập trung nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như, đẩy mạnh thông tin tới các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu…/.
(Vietnam+)