Lấy cảm hứng và hư cấu từ sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu anh dũng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 - một trong những trận đánh khốc liệt nhất thế kỷ 20, “Mưa đỏ” tái hiện một thời kỳ máu lửa mà ở đó, hàng vạn thanh niên ưu tú đã “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu, hy sinh vì độc lập - tự do của Tổ quốc. Với diện tích khoảng 25ha, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng hơn 100 quả bom, 200 quả đạn pháo, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống, phần lớn khi tuổi đời còn rất trẻ.

Từ những ký ức hào hùng, Nhà văn Chu Lai đã viết nên kịch bản điện ảnh “Mưa đỏ” một tác phẩm hư cấu dựa trên sự kiện lịch sử có thật, phản ánh sâu sắc sự hy sinh thầm lặng và lý tưởng sống cao đẹp của lớp lớp thanh niên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chuyện phim xoay quanh Tiểu đội 1 tại mặt trận Thành cổ, nơi những người lính trẻ phần lớn là sinh viên, học sinh gặp nhau, cùng chiến đấu, yêu thương, và sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, vì quê hương. Bộ phim là khúc tráng ca bằng hình ảnh, là nén tâm hương tri ân gửi đến những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước, là âm hưởng của tình yêu, niềm tin và khát vọng thống nhất trong tâm hồn người Việt Nam.
Là một dự án nghệ thuật có quy mô lớn, “Mưa đỏ” được đầu tư bài bản, chỉn chu từ nội dung đến kỹ thuật, với các bối cảnh công phu được dựng tại tỉnh Quảng Trị, trong đó bối cảnh chính được quay tại thị xã Quảng Trị, bên dòng sông Thạch Hãn lịch sử. Thành Cổ được tái hiện chân thực cả về hình thái kiến trúc, địa hình chiến sự, các chiến hào, đường hầm, trạm phẫu, sân bay dã chiến, công sự phòng thủ...
Mọi chi tiết từ trang phục, đạo cụ, khí tài, cho tới môi trường chiến đấu đều được phục dựng tỉ mỉ, chính xác, dưới sự cố vấn của các cựu chiến binh và nhân chứng lịch sử, nhằm mang đến một không gian vừa chân thực vừa giàu cảm xúc. Bộ phim kết hợp các cảnh quay thực địa và kỹ xảo điện ảnh hiện đại, giúp khán giả như hòa vào không khí trận chiến kéo dài suốt 81 ngày đêm, nơi cái chết và sự sống chỉ cách nhau trong gang tấc.
Bên cạnh đó, phim còn tái hiện cuộc đấu trí tại Hội nghị Paris, nơi thể hiện bản lĩnh đối ngoại và chính nghĩa của Việt Nam, góp phần phản ánh toàn diện hành trình giành độc lập và hòa bình.

Quá trình chuẩn bị cho sản xuất phim kéo dài nhiều năm, đặc biệt giai đoạn xây dựng bối cảnh và quay tiền kỳ tại Quảng Trị gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt nắng, mưa dài ngày, bão lũ... và yêu cầu cao về kỹ thuật và an toàn. Đoàn phim vừa phải đảm bảo tiến độ thi công bối cảnh, vừa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định khi quay tại điểm di tích tác nghiệp trên sông nước, thời gian quay đêm là phần nhiều.
Dù vậy, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài quân đội, cùng nỗ lực không ngừng nghỉ của ê-kíp sáng tạo, “Mưa đỏ” đã hoàn thành đúng kế hoạch, sẵn sàng ra mắt khán giả vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (1945 - 2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).
“Mưa đỏ” không đơn thuần là một bộ phim truyện điện ảnh, đó là tiếng gọi từ lịch sử, là bản hùng ca bất tử được viết lại bằng ngôn ngữ điện ảnh - chân thực, lay động và đầy tính nhân văn. Bộ phim kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng, khơi dậy cho thế hệ trẻ hôm nay tinh thần tìm hiểu lịch sử, trân trọng sự hy sinh của cha ông, hun đúc lòng yêu nước và thức tỉnh nhận thức về giá trị thiêng liêng của hòa bình được đánh đổi bằng xương máu của bao thế hệ cha anh.