Giá dầu thế giới
Theo Reuters, đầu phiên giao dịch ngày 16-4, giá dầu Brent giữ đà giảm nhẹ, dầu WTI tăng nhẹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15-4, giá dầu giảm nhẹ. Giá dầu Brent giảm 21 cent, tương đương 0,3%, xuống mức 64,67 USD/thùng; giá dầu WTI giảm 20 cent, tương đương 0,3%, xuống mức 61,33 USD/thùng.
![]() |
Giá dầu biến động nhẹ trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của tuần. Ảnh minh họa: Fox Business |
Theo Reuters, chính sách thương mại không ổn định của Mỹ đã tạo ra sự bất ổn cho thị trường dầu mỏ toàn cầu và buộc OPEC phải hạ triển vọng nhu cầu dầu thế giới trong năm.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 5 năm do lo ngại về tăng trưởng kinh tế từ thuế quan thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sự bất ổn về thuế quan đã khiến một số ngân hàng, bao gồm UBS, BNP Paribas và HSBC, phải cắt giảm dự báo giá dầu thô.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: Nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang, kịch bản rủi ro giảm giá có thể khiến giá dầu Brent giao dịch ở mức 40-60 USD/thùng trong những tháng tới.
Những lo ngại về thuế quan của ông Trump, cùng với việc tăng nguồn cung của OPEC+ đã khiến giá dầu giảm khoảng 13% trong tháng này.
Ngày 14-4, giá dầu tăng nhẹ sau khi ông Trump tuyên bố đang cân nhắc sửa đổi mức thuế 25% áp dụng đối với ô tô nhập khẩu từ Mexico và các nước khác.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Gelber and Associates nhận xét, giá dầu biến động theo những thay đổi chính sách thuế quan mâu thuẫn nhau của chính quyền Mỹ áp dụng cho ô tô và phụ tùng ô tô.
Tại Mỹ, các giám đốc ngân hàng cảnh báo chi tiêu của người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với rủi ro rất lớn nếu tình hình biến động do chính sách thương mại của ông Trump gây ra vẫn tiếp diễn.
Giá nhập khẩu của Mỹ bất ngờ giảm vào tháng 3 do chi phí sản phẩm năng lượng giảm, dấu hiệu mới nhất cho thấy lạm phát đang lắng xuống trước khi mức thuế quan toàn diện của ông Trump có hiệu lực.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại rằng chính sách thuế quan của ông chủ Nhà Trắng có thể làm tăng lạm phát, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó có thể giảm lãi suất.
![]() |
Dữ liệu tồn kho xăng, dầu của Mỹ sẽ tác động đến giá dầu trong phiên giao dịch ngày 16-4. Ảnh minh họa: Thoughtco |
Fed và các ngân hàng trung ương khác sử dụng lãi suất cao hơn để kiềm chế lạm phát gia tăng, điều này làm tăng chi phí tiêu dùng và có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết một số ngân hàng đã hạn chế tiếp cận tín dụng trong quý I-2025 và dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt các tiêu chuẩn tín dụng do lo ngại ngày càng tăng về triển vọng kinh tế do thuế quan của ông Trump.
Về tồn kho xăng, dầu của Mỹ, theo Viện Dầu khí Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 11-4, tồn kho dầu của Mỹ tăng 2,4 triệu thùng; tồn kho xăng giảm 3 triệu thùng và tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 3,2 triệu thùng.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 16-4 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 18.882 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 19.207 đồng/lít. Dầu diesel không quá 17.243 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 17.413 đồng/lít. Dầu mazut không quá 15.902 đồng/kg. |
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 17-4. Do giá xăng dầu thế giới tuần qua giảm nên giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục giảm nhẹ. Tuy nhiên, giá có thể quay đầu tăng nếu giá xăng dầu thế giới bật tăng trong những phiên giao dịch đầu tuần này.
Tại lần điều chỉnh giá gần đây nhất, giá xăng E5 RON 92 giảm 1.491 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 1.712 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.235 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.322 đồng/lít, dầu mazut giảm 1.124 đồng/kg.