Giúp người tiêu dùng nhận diện hàng giả

Vũ Xuân Kiên
Hướng tới các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3), từ ngày 6 đến 11-3, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa đón khách tham quan Phòng trưng bày chuyên đề "Nhận diện hóa-mỹ phẩm vi phạm trên thị trường" tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Phòng trưng bày nhận diện hàng giả-hàng thật đã ra mắt từ cuối tháng 11-2021, tới nay Tổng cục QLTT đã tổ chức hàng chục chương trình trưng bày với hàng nghìn sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường, hay bị làm giả để khách hàng nhận biết.

Phòng trưng bày trong đợt này có chủ đề "Nhận diện hóa-mỹ phẩm trên thị trường" có hơn 500 sản phẩm của hơn 30 nhãn hiệu thuộc các nhóm ngành hàng, như: Dầu gội đầu, sữa tắm, nước hoa, thực phẩm chức năng; sản phẩm dưỡng da, làm đẹp. Phần lớn các sản phẩm được lực lượng QLTT phát hiện và thu giữ trong thời gian qua. Các sản phẩm hàng thật-hàng vi phạm được đặt cạnh nhau, nhằm mục đích giúp người tiêu dùng cũng như khách tham quan có thể nhận diện, phân biệt hàng thật, hàng vi phạm bằng cảm quan, sau đó đối chiếu các dấu hiệu đã được các cơ quan chức năng đưa ra, từ đó tăng tính nhận diện, kiến thức để phân biệt, tránh mua phải những sản phẩm bị làm giả.

9b0a0133-83dd-44c9-a5bf-1552516c208c-1678440026.jpeg
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết hàng giả-hàng thật.

Tham quan phòng trưng bày, nhiều người dân cho biết, các sản phẩm giả được làm rất tinh vi, nếu không có sản phẩm thật để so sánh, người tiêu dùng rất khó để phân biệt. Đơn cử như sản phẩm thuốc elevit sản xuất tại Australia, được làm giả rất tinh vi. “Qua việc trưng bày ở đây, tôi có thể nhận biết được loại thuốc này không đóng vào chai mà ở dạng vỉ thuốc. Viên thuốc elevit có màu trắng, hình bầu dục với chiều dài 17mm, bên ngoài không có mùi, không vị. Hãng chỉ đóng gói theo vỉ hình chữ nhật, gồm 100 viên/10 vỉ/hộp", chị Nguyễn Thị Thanh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội chia sẻ về cách nhận biết sản phẩm thật.

Trao đổi với phóng viên, Chánh văn phòng Tổng cục QLTT Nguyễn Minh Phương cho biết, người tiêu dùng nên đến các địa chỉ, cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt, phải thận trọng khi chọn mua hàng hóa qua các kênh online. Hiện nay, các đối tượng kinh doanh hàng vi phạm thường dùng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok... từ đó, lấy lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm. Đối với các sản phẩm là thuốc, nên mua tại các cửa hàng, cửa hiệu đã được Bộ Y tế cấp phép, tránh mua trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, các chương trình trưng bày được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn, mua sắm sản phẩm chính hãng, rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng vi phạm. Hóa-mỹ phẩm, dược phẩm gắn liền với sức khỏe của người dân, do đó đây là những mặt hàng trọng điểm nằm trong kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng QLTT. Ngoài ra, lực lượng QLTT sẽ tổ chức nhiều chủ đề trưng bày khác để tăng tính nhận diện của người dân với hàng giả-hàng thật.