Liên minh châu Âu khởi động cuộc đấu thầu quốc tế để mua chung khí đốt

Tran Huy
Cách thức mua chung khí đốt giúp các công ty châu Âu xây dựng mối quan hệ kinh doanh mới với các nhà cung cấp thay thế khi EU tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Lien minh chau Au khoi dong cuoc dau thau quoc te de mua chung khi dot hinh anh 1

Trạm trung chuyển khí đốt ở Hajduszoboszlo, Hungary. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) ngày 10/5 đã lần đầu tiên khởi động cuộc đấu thầu quốc tế để mua chung khí đốt nhằm có được mức giá tốt hơn để bổ sung dự trữ trước mùa Đông năm 2023-2024.

Phát biểu với báo giới tại Brussels, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic nhấn mạnh: "Đây là một bước đi lịch sử. Chúng tôi đang tận dụng sức mạnh kinh tế tập thể của EU để tăng cường an ninh năng lượng và chống lại giá khí đốt cao."

Đối với lần gọi thầu đầu tiên này, 77 công ty châu Âu đã gửi yêu cầu về tổng khối lượng khoảng 11,6 tỷ m3 khí đốt, trong đó gồm 2,8 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và 9,6 tỷ m3 giao hàng qua đường ống.

Các nhà cung cấp khí đốt quốc tế, ngoại trừ Nga, sẽ gửi báo giá trước ngày 15/5. Nếu giao dịch được ký kết thì các đợt giao hàng dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.

Ông Maros Sefcovic khẳng định cách thức mua chung khí đốt do Brussels dẫn đầu giúp các công ty châu Âu, đặc biệt là trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, xây dựng mối quan hệ kinh doanh mới với các nhà cung cấp thay thế khi EU tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Mặt khác, cơ chế này cũng mang đến cho các nhà cung cấp quốc tế cơ hội mở rộng mạng lưới khách hàng.

Theo EC, các cuộc đấu thầu mới sẽ diễn ra hai tháng một lần cho đến cuối năm nay. Các công ty từ EU, cũng như từ các quốc gia thuộc "Cộng đồng năng lượng châu Âu" như Ukraine, Albania, Bosnia, Kosovo, Bắc Macedonia, Georgia, Moldova, Montenegro và Serbia có thể tham gia gửi tổng cầu.

Cơ chế này là một phần trong các biện pháp được EU thông qua vào năm 2022 để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo các quy định được hoàn thiện hồi giữa tháng 12/2022, các quốc gia EU phải tham gia vào cơ chế tổng cầu này để mua chung ít nhất 15% khối lượng cần thiết để đạt được mục tiêu của EU đặt ra là lấp đầy 90% kho dự trữ trước tháng 11.

Việc mua chung khí đốt cũng phải đảm bảo tránh được tình trạng như mùa Hè năm 2022, khi các quốc gia và công ty đổ xô đến thị trường khí đốt cùng lúc để lấp đầy kho dự trữ khiến giá tăng đột biến./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)