TP HCMTổng lương hưu mỗi tháng của vợ chồng gần 5 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Lan gói ghém tiền ăn cho cả nhà mỗi ngày dưới 100 nghìn, ít ra ngoài để giảm chi tiêu.
Bà Lan và chồng là ông Trần Minh Châu (ở quận Tân Phú), cùng 65 tuổi, vốn là công nhân chế biến thủy sản đông lạnh Công ty cổ phần thủy sản số 1 (nay là Công ty cổ phần thủy sản Hùng Hậu). Năm 2012, bà về hưu. Với 26 năm làm việc và tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, tỷ lệ hưởng lương hưu của bà đạt 75%, mỗi tháng nhận gần 1,8 triệu đồng. Nhân viên bảo hiểm xã hội giải thích do mức lương để căn cứ đóng bảo hiểm của bà thấp, trung bình cả quá trình chỉ gần 2,4 triệu đồng nên số tiền hưởng không cao.
Theo bà Lan, gần 30 năm trước những công nhân trực tiếp sản xuất rất khó để biết thông tin mức lương công ty đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. "Chỉ đến khi cầm quyết định hưởng lương hưu, tôi mới bất ngờ vì không nghĩ thấp thế", người phụ nữ mang trong mình nhiều chứng bệnh của tuổi già nói. Một năm sau, chồng bà cũng hết tuổi lao động, với 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng 55%, mức lương làm căn cứ đóng hơn 2,3 triệu đồng nên số tiền được nhận mỗi tháng chỉ gần 1,3 triệu đồng.
Sau nhiều lần nhà nước điều chỉnh lương hưu, đến nay số tiền ông nhận được là 2,1 triệu đồng và mức hưởng của bà đạt 2,8 triệu đồng. Ông Châu ví von mỗi người dân ở thành phố được xem là thoát nghèo nếu thu nhập mỗi năm 46 triệu đồng, tức mỗi tháng 3,8 triệu đồng. Lương hưu vợ chồng ông còn thấp hơn mức nghèo. Song trong các chính sách hỗ trợ của chính quyền thành phố dành cho người nghèo, vợ chồng đều "lọt sổ" do đã có lương hưu.
Với lương hưu ít ỏi, lúc còn khỏe ông đi làm bảo vệ, bà tiếp tục làm cho công ty cũ để kiếm thêm thu nhập. Nhưng từ khi dịch bùng phát, sức khỏe suy giảm nên cả hai đành ngồi nhà. "Bây giờ điện nước, ăn uống, hiếu hỷ, khám bệnh đều trông cả vào 4,9 triệu đồng", bà Lan nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Phải, 56 tuổi, vốn là công nhân quét rác Công ty dịch vụ công ích quận 6, mỗi tháng nhận được hơn 3,4 triệu đồng lương hưu. Vợ thu gom ve chai, con trai đang học nghề nên cuộc sống thường xuyên lâm cảnh túng thiếu.
Năm 2017, ông bị tai nạn gãy chân, sức khỏe suy giảm nên xin nghỉ việc. Tính đến lúc nộp đơn, ông đã đóng bảo hiểm xã hội 21 năm. Suốt mấy năm chờ lương hưu, ông làm đủ thứ việc từ bảo vệ đến thổi kèn đám ma, chạy xe ôm để có tiền phụ gia đình. Khi dịch bùng phát, gia đình quá khó khăn, ông rao bán sổ bảo hiểm.
"Tôi ra giá 100 triệu đồng mà người ta trả có một nửa nên tôi tiếc, giữ lại", ông Phải kể. Hơn một năm sau, cơ quan bảo hiểm ra quyết định trả lương hưu sớm vì công việc của ông thuộc nhóm ngành nặng nhọc độc hại. Với số tiền nhận được ông đưa vợ hai triệu đồng để trả điện nước, chợ búa. Phần còn lại ông đổ xăng chạy xe ôm kiếm thêm.
Ông Phải, vợ chồng bà Lan là ba trong số hơn 45.000 người ở TP HCM hưởng lương hưu dưới mức 3,8 triệu đồng mỗi tháng, trong số này có hơn 19.000 người nhận mức dưới 3 triệu đồng, theo số liệu của Bảo hiểm xã hội TP HCM.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, cho biết thành phố có hơn 222.000 người đang nhận lương hưu với mức hưởng trung bình mỗi tháng gần 6 triệu đồng. Có trường hợp hưởng rất cao với hơn 124 triệu đồng, tuy nhiên cũng có người chưa đến một triệu đồng. Lương hưu cao hay thấp phụ thuộc vào thời gian đóng và mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Nhóm thấp chủ yếu rơi vào công nhân.
Ông Mến nói rằng nhiều chủ sử dụng lao động cố tình lách luật để giảm bớt chi phí đóng vào các quỹ bảo hiểm, bởi luật hiện hành quy định người lao động đóng 1/3, doanh nghiệp đóng 2/3. Khi còn trẻ, người lao động đồng tình hoặc không quan tâm tới việc doanh nghiệp tách thu nhập ra đủ các khoản phụ cấp, lương đóng bảo hiểm thấp mà không biết về già sẽ rất thiệt thòi.
Theo PGS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hệ thống hưu trí theo nguyên tắc đóng – hưởng bắt đầu từ năm 1995, khi bảo hiểm xã hội có sự tham gia của người lao động và chủ sử dụng lao động.
Những người hưởng lương hưu cao từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng đa phần là lãnh đạo các công ty liên doanh, với tỷ lệ hưởng tối đa 75% và mức hưởng được tính trung bình tiền lương của 5 năm cuối. Trong khi đó, lao động ở doanh nghiệp ngoài nhà nước lại tính trung bình cả quá trình, công nhân mức đóng khá thấp, chỉ tương đương lương tối thiểu.
Ông Long nói rằng sự không hợp lý này đã được nhìn thấy và điều chỉnh dần trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Khi mức hưởng dần tiến đến tính trung bình cả quá trình đóng cho tất cả người tham gia. Tiền lương làm căn cứ đóng cũng đã quy định mức trần tối đa không quá 20 lần lương cơ sở nhằm thu hẹp khoảng cách lương hưu. Ngoài ra, dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng tính đến giải pháp tăng cường nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động.
"Xử lý như thế nào với những người đang hưởng lương hưu thấp, dưới chuẩn nghèo", ông Long đặt câu hỏi và cho rằng thực tế từ năm 1995 đến nay, nhà nước 22 lần điều chỉnh lương hưu. Đầu năm 2022, lương hưu tăng thêm 7,4%. Nhà nước luôn cố gắng đảm bảo mức sống tối thiểu cho người về hưu, nhưng còn tùy vào ngân sách.
Trường hợp kinh phí còn hạn hẹp có thể nhà nước phải lựa chọn nhóm dễ tổn thương để giúp đỡ trước. Ví dụ với hơn 45.000 người đang nhận lương hưu dưới mức 3,8 triệu đồng ở TP HCM, chính quyền không thể hỗ trợ tất cả nhưng có thể giúp đỡ nhóm khó khăn nhất.
TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, chuyên gia về An sinh xã hội của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, cho rằng hiện những người nhận lương hưu quá thấp không được nhận bất kỳ khoản hỗ trợ xã hội nào. Đây là một khoảng trống cần được lấp đầy. Nhà nước cần mở rộng nhóm được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng cho những người đang nhận lương hưu dưới chuẩn nghèo.
Tại một số nước như Phần Lan, Thụy Điển, lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội vẫn tuân thủ theo nguyên tắc đóng – hưởng, tuy nhiên những người nhận khoản tiền dưới mức sống tối thiểu được nhận thêm khoản từ quỹ hưu trí xã hội do ngân sách chi trả. Ví dụ ở cùng một độ tuổi, người về hưu được một triệu đồng thì khoản này là 300.000 đồng cho nhóm lương hưu thấp.
Bà Quỳnh cho rằng để thực hiện được chính sách này, hai hệ thống hưu trí cần phải hoạt động bổ trợ, liên thông với nhau. Cùng với đó, Việt Nam phải xây dựng được cơ sở dữ liệu an sinh xã hội đồng bộ để đảm bảo chính xác người có thu nhập thấp được thụ hưởng.
Lê Tuyết
Nguồn: vnexpress.net