
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam; Bà Rothna Buth, Giám đốc điều hành Trung tâm Hành động Bom mìn ASEAN; Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC); Ông Park Jeonghwan, Tùy viên Quân sự, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam (AKF) đồng chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo còn có các nhà tư vấn, các đại biểu trong nước và quốc tế đến từ các cơ quan, tổ chức có liên quan.


Tăng cường hợp tác quốc tế về hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn

Tại Hội thảo, bà Rothna Buth, Giám đốc điều hành Trung tâm Hành động Bom mìn ASEAN (ARMAC) nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ hiện trạng và thảo luận khuyến nghị nhằm tăng cường hợp tác trong nước và khu vực trong lĩnh vực hỗ trợ nạn nhân bom mìn.

Chia sẻ tại Hội thảo, Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cho biết: Từ ngày 30/3 đến 02/4/2025, trong khuôn khổ hợp tác giữa Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và Trung tâm hành động bom mìn khu vực ASEAN, đoàn công tác gồm các thành viên của VNASMA, ARMAC, Dịch vụ Y tế Singapore (SingHealth) - Singapore, Hiệp hội chia sẻ hòa bình (PSA) - Hàn Quốc và các chuyên gia tư vấn đã đi khảo sát tại tỉnh Quảng Bình và TP. Huế. Đoàn đã làm việc với Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Bình, Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Bình, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Thừa Thiên Huế và Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đoàn do Bà Rothna Buth, Giám đốc điều hành Trung tâm hành động bom mìn khu vực ASEAN và Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Trưởng ban Đối ngoại Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đồng chủ trì.




Đoàn đã tiếp xúc tìm hiểu các cơ sở y tế, trung tâm Vật lý trị liệu và phỏng vấn các nạn nhân bom mìn tại các địa phương về nguyên nhân tai nạn, ảnh hưởng của tai nạn bom mìn gây ra ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ tâm thần, ảnh hưởng tới khả năng vận động, quá trình và phương pháp điều trị, tâm tư nguyện vọng của cơ quan quản lý và nguyện vọng của nạn nhân nhằm có những trao đổi đề xuất với các cơ quan, tổ chức có liên quan tại Hội thảo tham vấn Quốc gia về nhu cầu hỗ trợ phục hồi chức năng thể chất và sức khỏe tâm thần của người khuyết tật và nạn nhân bom mìn tổ chức ngày 04/4/2025 tại Hà Nội.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Trưởng ban Đối ngoại Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cho biết: Thời gian qua, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam có một số hoạt động hợp tác quốc tế trong hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tại các tỉnh, thành phố Việt Nam và trong khu vực. Kết quả tích cực của chuyến khảo sát thực địa tại tỉnh Quảng Bình và TP. Huế và kết quả của Hội thảo Tham vấn Quốc gia này là minh chứng cho hiệu quả của công tác đối thoại và hợp tác quốc tế.
Nhiều đề xuất, khuyến nghị hỗ trợ nạn nhân bom mìn

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) và ông Park Jeonghwan, Tùy viên Quân sự, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam (AKCF) đã chia sẻ các thông tin về thực trạng bom mìn còn lại sau chiến tranh tại Việt Nam; những ảnh hưởng của bom mìn đến người khuyết tật và nạn nhân bom mìn và hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam, từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em.



Ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Y tế) đã trình bày tham luận về khung pháp lý hiện tại của các hoạt động hỗ trợ nạn nhân tại Việt Nam, những khó khăn trong công tác hỗ trợ phục hồi chức năng và sức khỏe tâm thần cho nạn nhân bom mìn và những thách thức chính. Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, Chủ tịch Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tại tỉnh Quảng Bình (VNASMA Quảng Bình) đại diện các Hội, Chi hội trực thuộc Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm và các mô hình tốt trong công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Đại diện của Trung tâm Hành động Bom mìn ASEAN (ARMAC) đã chia sẻ thông tin về chuyến đánh giá thực địa tại tỉnh Quảng Bình và TP. Huế.

Trong chương trình Thảo luận nhóm, các chuyên gia tư vấn, ARMAC, VNASMA, VNMAC, AKCF và các đại biểu đã thảo luận khuyến nghị về phục hồi chức năng thể chất và sức khỏe tâm thần hỗ trợ cho các nạn nhân của bom mìn. Ngoài ra, thảo luận, phản hồi và thống nhất chung về nội dung và chi tiết của Tài liệu thông tin hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại Việt Nam. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và thống nhất cao về hợp tác trong khu vực ASEAN cũng như quốc tế cùng chung tay khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn, không ai ở lại phía sau vì cuộc sống bình yên và phát triển./.