Ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết từ đầu năm đến nay, hệ thống NAPAS xử lý bình quân hơn 20 triệu giao dịch/ngày, tăng tương ứng 52% số lượng và 12% về giá trị giao dịch. Riêng số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 62% về số lượng và 13% về giá trị.
Đáng chú ý, giao dịch qua phương thức quét VietQR tăng 8 lần về số lượng và 4 lần về giá trị giao dịch so với năm 2022. Qua đó cho thấy người dùng đang ngày càng ưa chuộng và sử dụng thường xuyên hơn dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 trong chi tiêu, thanh toán hàng ngày, tập trung vào các giao dịch có giá trị nhỏ lẻ, từ thành thị đến nông thôn, từ nhà hàng đến các siêu thị, chợ dân sinh.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết việc NAPAS phối hợp với các ngân hàng triển khai thêm dịch vụ rút tiền bằng mã VietQR đã đem lại sự tiện ích cho khách hàng và giảm chi phí phát hành thẻ vật lý.
Cũng theo ông Hưng, ở chiều hướng khác, dịch vụ rút tiền trên ATM qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm dần qua các năm. Đặc biệt, năm 2023 là năm có số lượng giao dịch rút tiền trên ATM giảm sâu hơn so mức giảm của các năm trước, chỉ chiếm 3,6% tổng số giao dịch của toàn hệ thống, thể hiện xu hướng phát triển tích cực của thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, NAPAS cũng tích cực cùng với các tổ chức thành viên đẩy mạnh các dự án kết nối quốc tế gồm mở rộng kết nối chuyển mạch thẻ NAPAS với BC Card Hàn Quốc, kết nối thanh toán VietQR với Thái Lan, VietQR với Campuchia. Hoạt động này cũng góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán số trong giao thương, xúc tiến thương mại, du lịch... giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.
“Trong năm vừa qua, NAPAS đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo đáp ứng năng lực xử lý của hệ thống, tăng cường công tác giám sát vận hành, đảm bảo hoạt động liên tục. Ngoài ra, NAPAS tiếp tục thực hiện chính sách giảm phí, triển khai các chương trình truyền thông, marketing để cùng với các ngân hàng phát triển thị trường, góp phần mở rộng hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam,” Chủ tịch NAPAS nhấn mạnh.
Lãnh đạo NAPAS cho biết thời gian tới, công ty cam kết cung cấp dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của các tổ chức thành viên với chi phí hợp lý để cùng các đơn vị cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, hiện đại cho người dân, đóng góp vào sự phát triển chung của thị trường thanh toán.
Đánh giá cao vai trò của NAPAS, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, nhấn mạnh với vai trò tổ chức chuyển mạch tài chính và xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, NAPAS đã và đang góp phần thúc đẩy quá trình này.
Ông Tuấn cho biết thêm tính đến hết tháng 9/2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49,32% về số lượng; giao dịch qua kênh Internet tăng 60,30% về số lượng và 5,66% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 60,82% về số lượng và 9,71% về giá trị; qua phương thức QR Code tăng 105,33% về số lượng và 10,66% về giá trị. Số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 15,24% về số lượng và 21,78% về giá trị.
Ngoài ra, đến cuối tháng 9/2023, toàn thị trường có 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 52 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động.
“Để đạt được những thành tựu và sự tăng trưởng này, tôi ghi nhận sự đóng góp của NAPAS và các tổ chức thành viên trong việc triển khai, thực hiện các chính sách, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như việc nghiên cứu, đưa vào thị trường các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, an toàn và tiện ích cho người dân,” ông Tuấn cho biết./.
Mới đây, NAPAS đã tổ chức lễ vinh danh các tổ chức thành viên có những đóng góp tiêu biểu trong năm 2023, trong đó giải “Ngân hàng xuất sắc năm 2023” đã thuộc về Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với những đóng góp lớn cho hệ thống và mạng lưới. Giải “Ngân hàng tiêu biểu” đã thuộc về các ngân hàng gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ký thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
(Vietnam+)