Một quầy bán thức ăn chế biến sẵn trên vỉa hè tại quận Hà Ðông (thành phố Hà Nội). |
Số liệu thống kế từ Bộ Y tế cho thấy, tính chung trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 700 người bị ngộ độc (tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2023), trong có ba trường hợp tử vong. Ðáng chú ý, từ giữa tháng 4 đến nay, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm người phải nhập viện điều trị. Mới đây, ngày 1/5, đã có gần 560 trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì ở tiệm bánh mì Cô Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh, tỉnh Ðồng Nai) phải nhập viện điều trị tại nhiều bệnh viện.
Theo Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ ngộ độc thực phẩm nêu trên, đơn vị này đã có văn bản đề nghị ngành y tế tỉnh Ðồng Nai chỉ đạo các bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng; khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Ðồng thời, đình chỉ ngay cơ sở bánh mì nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở nêu trên, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia an toàn thực phẩm, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngộ độc gia tăng ở nước ta thời gian gần đây là do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây quả rừng, thủy hải sản); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, nhất là tại các khu vực đông khách du lịch dịp hè.
Tại một số địa phương chính quyền, các cơ quan chức năng, nhất là tuyến cơ sở chưa coi trọng hoặc còn tâm lý nể nang trong công tác quản lý an toàn thực phẩm và xử phạt các trường hợp vi phạm. Ðặc biệt, tình trạng buôn bán thực phẩm ăn sẵn, thực phẩm chế biến ngay trên hè phố, lòng lề đường tại những nơi tập trung đông người đang trở nên phổ biến ở nhiều địa phương. Ðáng lo ngại, khi người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm phần lớn sẽ hết sau vài ngày điều trị, nhưng nếu không được phát hiện kịp thời, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và tử vong, nhất là ở trẻ nhỏ.
Ngành y tế các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trong đó, chú ý đến ngộ độc do nấm độc vào mùa xuân hè, ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên, nhất là các địa phương khu vực miền núi phía bắc và khu vực Tây Nguyên; ngộ độc do các loại thủy, hải sản có chứa độc tố tự nhiên như cá nóc, so biển, ốc biển lạ đối với các tỉnh, thành phố ven biển khi mùa du lịch đang đến...
Các cơ quan chuyên môn tập trung kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Chính quyền các địa phương chỉ đạo các đơn vị y tế chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc men và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của ngành nông nghiệp, công thương... triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm; thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là ngăn chặn kịp thời việc lưu thông trên thị trường các loại rượu sản xuất, pha chế không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác.
Mặt khác, ngành y tế cần huy động hơn nữa sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng tốt, an toàn; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc có mùi vị, mầu sắc thay đổi khác thường.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (từ ngày 15/4 đến 15/5) đang diễn ra trên phạm vi cả nước với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Ðặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
BÀI VÀ ẢNH: KHÁNH HUY