* Đan Mạch mua 339 quả đạn pháo dẫn đường chiến thuật M982A1 Excalibur
Đan Mạch đã sẵn sàng tiếp nhận 339 quả đạn pháo dẫn đường chiến thuật M982A1 Excalibur 155mm. Đây là phiên bản đạn pháo có "tính năng đầy đủ, chi phí thấp, sản xuất hàng loạt". Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã gửi đề nghị đặt hàng đến Bộ Quốc phòng Mỹ và được Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) phê duyệt hợp đồng bán, đồng thời thông báo cho Quốc hội Mỹ về thỏa thuận này.
Đạn pháo dẫn đường chiến thuật M982A1 Excalibur. Ảnh: Army Recognition |
Giá trị của thỏa thuận này ước tính gần 121 triệu USD, bao gồm 339 quả đạn pháo M982A1 Excalibur, các hệ thống điều khiển hỏa lực điện tử di động (PEFCS), các bộ tích hợp nền tảng cải tiến (iPIK), thiết bị nạp khóa đơn giản (SKLs), bộ dụng cụ tháo lắp, và bộ nhận diện các khu vực nguy hiểm bề mặt (SDZs). Tập đoàn RTX, có trụ sở tại thành phố Tucson, bang Arizona, sẽ là nhà thầu chịu trách nhiệm sản xuất cho đơn hàng này.
Theo các chuyên gia quân sự Đan Mạch, đạn pháo dẫn đường chiến thuật M982A1 Excalibur là loại vũ khí hiệu quả cao, có khả năng tấn công các mục tiêu ở xa với độ chính xác đáng kinh ngạc. Minh chứng cho điều này là vào tháng 4-2024, trong một cuộc thử nghiệm tại Bãi thử nghiệm Yuma của Lục quân Mỹ, đạn pháo dẫn đường chiến thuật M982A1 Excalibur đã bắn trúng mục tiêu cách xa gần 50km với phạm vi sai lệch mục tiêu dưới 1m. Cuộc thử nghiệm sử dụng biến thể VIDAR của pháo tự hành K9 Thunder mà Hàn Quốc sản xuất riêng cho Na Uy. Cuộc thử nghiệm đã cho thấy độ chính xác và khả năng tương thích của loại đạn này khi sử dụng ở nhiều chế độ ngòi nổ khác nhau. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến quyết định đặt mua đạn pháo dẫn đường chiến thuật M982A1 Excalibur của Bộ Quốc phòng Đan Mạch, nhất là khi xét tới khả năng phối hợp với các đồng minh NATO khác như Na Uy.
Quân đội Đan Mạch có lực lượng pháo binh hiện đại, có nhiều hệ thống pháo tương thích với đạn pháo dẫn đường chiến thuật M982A1 Excalibur, trong đó có pháo tự hành Caesar 8x8. Hệ thống hiện đại này là thành phần chủ chốt của lực lượng vũ trang Đan Mạch, có khả năng bắn đạn 155mm như Excalibur với độ chính xác cao nhờ vào hệ thống điều khiển hỏa lực tinh vi, cho phép nhắm mục tiêu chính xác ở khoảng cách xa.
Đạn pháo dẫn đường chiến thuật M982A1 Excalibur có chiều dài khoảng 102cm và đường kính 155mm, có khả năng tương thích với nòng pháo 155mm tiêu chuẩn và dễ dàng tích hợp vào các kho vũ khí quân sự hiện có của nhiều quốc gia. M982A1 Excalibur được trang bị hệ thống định vị toàn cầu (GPS) tiên tiến và các đơn vị đo lường quán tính (IMU), M982A1 Excalibur sử dụng dữ liệu nhắm tới mục tiêu theo thời gian thực để đạt độ chính xác theo yêu cầu.
* Nga triển khai “xe tăng rùa” khắc chế drone ở chiến trường Ukraine
Theo Army Recognition, gần đây, truyền thông Nga đã đưa tin về sự xuất hiện của các loại xe tăng mới, được gọi là "xe tăng rùa" (Turtle tanks), trên chiến trường Ukraine. Đây là các phương tiện bọc thép được Nga cải tiến nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) của quân đội Ukraine.
Một chiếc "xe tăng rùa" được Quân đội Nga sử dụng ở chiến trường Ukraine. Ảnh: Truyền thông Nga |
"Xe tăng rùa" được nhận diện qua việc bổ sung các lồng kim loại, thường được gọi là "lồng kháng cự" (cope cages), bao phủ phía trên của xe tăng. Cấu trúc này được thiết kế để ngăn chặn khả năng tấn công trực tiếp bằng máy bay không người lái vào phần trên, vốn là điểm yếu của xe tăng. Tuy nhiên, những cải tiến này cũng cho thấy nhiều điểm hạn chế đáng như chúng làm giảm tầm nhìn và khả năng cơ động của xe tăng, khiến xe trở nên chậm chạp và kém hiệu quả hơn trong quá trình chiến đấu.
Việc sử dụng những chiếc xe tăng này, cùng với các phương tiện đã được cải tiến khác như xe buggy và xe mô tô, phản ánh ảnh hưởng ngày càng lớn của các loại drone trên chiến trường. Máy bay không người lái, đặc biệt là các mẫu UAV góc nhìn thứ nhất (FPV), đã trở thành vũ khí lợi hại trong tay quân đội Ukraine, cho phép tấn công các phương tiện của Nga với độ chính xác cao. Để đối phó với mối đe dọa này, “xe tăng rùa” đóng vai trò như một "miếng bọt biển," hấp thụ các cuộc tấn công để tạo điều kiện cho các phương tiện khác tiến qua các tuyến phòng thủ của đối phương.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra về hiệu quả thực sự của các "lồng kháng cự" này. Mặc dù chúng giúp bảo vệ xe tăng trước drone, nhưng không thể bù đắp cho những điểm yếu về mặt chiến thuật mà chúng tạo ra. Hơn nữa, các hình ảnh từ chiến trường cho thấy, dù đã được trang bị các "lồng kháng cự", nhiều xe tăng của quân đội Nga vẫn bị phá hủy bởi các cuộc tấn công chính xác.
Mặc dù vậy, một số loại phương tiện sử dụng thiết kế “xe tăng rùa” vẫn có thể sử dụng với vai trò cụ thể trên chiến trường như pháo tự hành, xe phá mìn và xe phá các tuyến phòng thủ. Trong vai trò của pháo tự hành, phương tiện sử dụng thiết kế “xe tăng rùa” có thể hỗ trợ hỏa lực gián tiếp. Khả năng tăng cường phòng vệ trước drone cho phép phương tiện này ở lại phía sau chiến tuyến và khai hỏa từ khoảng cách xa vào các vị trí của đối phương. Việc chuyển đổi những phương tiện này thành các hệ thống pháo tự hành có thể bù đắp điểm yếu về khả năng cơ động bằng cách giữ chúng cách xa các vị trí giao chiến trực tiếp, trong khi vẫn đóng góp cho tác chiến chung bằng các cuộc tấn công chính xác từ xa.
* Đức và Na Uy hoàn thành giai đoạn thiết kế của dự án tàu ngầm chung
Theo thông tin được chính phủ Na Uy công bố ngày 22-8-2024, dự án tàu ngầm chung giữa Đức và Na Uy đã đạt được dấu mốc quan trọng là việc hoàn thành giai đoạn thiết kế cho mẫu tàu ngầm mới 212CD.
Mô hình tàu ngầm 212CD tại Triển lãm an ninh quốc phòng NEDS 2024 ở Rotterdam, Hà Lan. Ảnh: Navy Recognition |
Giai đoạn này, còn được gọi là giai đoạn “Đánh giá thiết kế quan trọng”, là một bước quan trọng trong quá trình triển khai dự án đóng mới 6 tàu ngầm loại này, với 4 chiếc cho Na Uy và 2 chiếc cho Đức.
Quá trình thiết kế đã diễn ra trong gần ba năm kể từ khi hợp đồng được ký kết vào mùa hè năm 2021. Trong thời gian này, cơ quan Triển khai dự án chung của hai nước đã cẩn thận xem xét hơn 100.000 trang tài liệu để đảm bảo rằng thiết kế đáp ứng được gần 6.000 yêu cầu theo hợp đồng. Giai đoạn thiết kế chỉ chiếm chưa đến 1/4 tổng chi phí cho sáu chiếc tàu ngầm, và chi phí này sẽ được chia đều giữa Na Uy và Đức.
Sự ra đời của thiết kế tàu ngầm mới cũng là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Cơ quan Vật liệu Quốc phòng Na Uy và Văn phòng Liên bang về Thiết bị, Công nghệ Thông tin và Hỗ trợ dịch vụ của Quân đội Đức.
Với việc hoàn thành giai đoạn thiết kế, dự án chung bước sang sang giai đoạn đóng các tàu ngầm. Chiếc tàu ngầm đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu chạy thử nghiệm vào năm 2027, và sẽ được bàn giao cho Hải quân Hoàng gia Na Uy vào năm 2029. Ngoài ra, Na Uy và Đức đang đàm phán với nhà cung cấp ThyssenKrupp Marine Systems để có thể tăng số lượng tàu ngầm 212CD cho cả hai quốc gia. Các đặc điểm nổi bật của mẫu tàu ngầm 212CD bao gồm kích thước lớn hơn, với lượng giãn nước khoảng 2.500 tấn và chiều dài khoảng 74m, lớn hơn đáng kể so với phiên bản trước đó.
Một bước tiến công nghệ quan trọng của mẫu tàu ngầm 212CD là việc tích hợp hệ thống đẩy khí độc lập (AIP) dựa trên thành phần nhiên liệu, cho phép tàu ngầm duy trì hoạt động dưới nước trong thời gian dài mà không cần nổi lên. Ngoài ra, Type 212CD còn được trang bị các hệ thống chiến đấu tiên tiến như hệ thống ORCCA, được phát triển bởi Atlas Elektronik và Kongsberg. Một khả năng đáng chú ý khác là vũ khí trang bị, bao gồm khả năng tích hợp tên lửa chống hạm và tên lửa tấn công mặt đất.
TRUNG THÀNH (tổng hợp)