Sinh viên Philippines học tập tại Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: BK-OISP) |
Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Số lượng sinh viên nước ngoài học tại Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên.
Các năm học trước như năm học 2020-2021, có 18.500 du học sinh; năm học 2021-2022 có 16.000 du học sinh, năm học 2022-2023 tăng lên 20.000 du học sinh.
Số lượng du học sinh tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam qua các năm học (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Trong số khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài nói chung đang học tập tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, có gần 4.000 theo học diện Hiệp định; số còn lại là lưu học sinh theo diện tự phí, theo các thỏa thuận song phương cấp trường hay địa phương.
Các cơ sở giáo dục đại học tích cực thu hút và tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các lưu học sinh nước ngoài nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, trao đổi học thuật, góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị với các nước, hội nhập quốc tế.
Riêng trong năm học 2023 - 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tiếp nhận 1.087 lưu học sinh nước ngoài vào học đại học, sau đại học tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam theo diện Hiệp định.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học tích cực thu hút và tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các lưu học sinh nước ngoài. Việc trao đổi học sinh, sinh viên với nước ngoài đã được triển khai thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, giúp thúc đẩy giao lưu văn hóa, trao đổi học thuật và góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị với các nước, hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra rằng, số lượng lưu học sinh nước ngoài đến học tập tại Việt Nam còn hạn chế, tập trung chủ yếu là lưu học sinh Lào, Campuchia, hiện chiếm gần 80% tổng số lưu học sinh nước ngoài.
Một số cơ chế, chính sách chưa thực sự tạo điều kiện để thu hút lưu học sinh nước ngoài vào học tập tại Việt Nam như các vấn đề về bảo hiểm y tế, visa,...
“Việc thu hút và đào tạo lưu học sinh nước ngoài trong nhiều cơ sở cơ sở giáo dục đại học còn chưa được chú trọng. Một số cơ chế, chính sách chưa thực sự tạo điều kiện để thu hút lưu học sinh nước ngoài vào học tập tại Việt Nam như các vấn đề về bảo hiểm y tế, visa” - theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, hiện chưa có cơ chế tạo điều kiện, thu hút người lao động có trình độ chuyên môn cao vào giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Các cơ sở giáo dục vẫn phải làm đầy đủ các thủ tục, quy trình giống như tất cả người lao động nước ngoài nói chung.
Năm học 2023-2024 đã có gần 3.000 chuyên gia người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật ở Việt Nam. Các chuyên gia nước ngoài vào làm việc chủ yếu trong lĩnh vực giảng dạy ngoại ngữ, hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo, thực hiện dự án quốc tế, thực hiện các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học trong và ngoài nước.
Trong năm học 2024-2025 tới đây, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục đề ra là tiếp tục tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục. Thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục và đào tạo, đồng thời có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; đẩy mạnh việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam.