EU và những sự "khó tính" mới
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ - EU, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ thực hiện khai báo theo mẫu của EU từ tháng 6/2024. Các doanh nghiệp xuất khẩu thép, xi măng, phân bón cần nghiên cứu quy định của EU để tính lượng CO2 thải ra trong quá trình sản xuất.
Tương tự, quy định Due Diligent trong chống phá rừng (EUDR) cũng sẽ có hiệu lực trong năm2024, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, đồ gỗ, cao su cần phải thực hiện thủ tục chứng nhận không phá rừng với hướng dẫn rất chi tiết của EU.
EU cũng đang tăng cường Quản lý an toàn thực phẩm, giám sát thương mại nhất là các vụ việc lẩn tránh thuế từ các nước thứ 3. Đồng thời, trong tháng 1/2024, EU cũng đã ban hành rất nhiều ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hầu hết ở mức 0,01mg/1kg, phê chuẩn chương trình kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc động vật (Việt Nam là thủy sản, mật ong - đang xem xét trứng và sữa), và các biện pháp khẩn cấp và tạm thời kiểm soát an toàn thực phẩm tại cửa khẩu.
Ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại khu vực thị trường EU - thông tin, EU đang tiến hành sửa đổi quy định liên quan đến chiếu xạ thực phẩm. Theo đó, việc chiếu xạ có thể sẽ áp dụng đối với một số loại rau gia vị và một số loại gia vị theo mùa. Bên cạnh đó, EU có thể sẽ công nhận một số cơ sở chiếu xạ tại các nước bên ngoài EU để thực hiện cung cấp dịch vụ, chiếu xạ cho các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này.
Để nâng cao kim ngạch và vị thế cho hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường EU, bà Nguyễn Thùy Linh - Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường EU đến năm 2030 đã đưa ra hướng tiếp cận mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, ổn định nguồn cung và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông lâm thủy sản.
Đồng thời tổ chức lại toàn bộ hoạt động xúc tiến thương mại để đảm bảo kết nối tốt hơn và mang lại hiệu quả cao hơn; phát triển các kênh phân phối và tăng cường thông tin, đảm bảo sự liên lạc kịp thời của các cơ quan đại diện ở EU đến các Bộ, ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp.
Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường EU đạt từ 5 - 5,5 tỷ USD; tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chế biến sang EU đạt khoảng 30%, mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiếp cận trực tiếp tới kênh khách hàng cuối cùng tại EU đạt 20%;…
Mục tiêu đến năm 2030 giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đạt từ 7,5 - 8 tỷ USD, tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chế biến sang EU đạt khoảng 50% và tiếp cận trực tiếp tới kênh khách hàng cuối cùng tại EU đạt 30%;…
Đến nay, thị trường EU là một trong 4 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn của Việt Nam. Ông Lê Thanh Hòa -Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho hay, trong việc đánh giá rủi ro, mở cửa thị trường, EU chỉ yêu cầu nước xuất khẩu làm đúng quy trình, đáp ứng tất cả quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như giảm thiểu ô nhiễm trên các sản phẩm.
Ví dụ, trước đây Việt Nam xuất khẩu rau gia vị sang EU rất tốt, tuy nhiên do vấn đề vi sinh vật và dư lượng một số hóa chất trên cây gia vị, EU đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, đánh giá các vùng trồng cấp mã số để được xuất khẩu vào EU.
Tương tự, EU cũng đang yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật phải kiểm tra cấp mã số đối với một số sản phẩm, trong đó có cả cây có múi. Do đó, doanh nghiệp cần cập nhật các thông tin cụ thể về thị trường để làm tốt hơn trong thời gian tới và thúc đẩy thương mại nông sản thực phẩm vào thị trường này.
Thêm kênh thông tin cho nông sản Việt vào EU
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023, EU đã công bố 120 thay đổi về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Nhằm giúp các chuỗi bán lẻ trên thế giới tìm được nguồn hàng an toàn, chất lượng ở Việt Nam, ngày 22/2/2024, tại Hà Nội, Văn phòng SPS Việt Nam và Trung tâm đổi mới Tentamus thuộc Cộng hòa Liên Bang Đức đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc cung cấp kiến thức và giải pháp kỹ thuật về kiểm soát an toàn thực phẩm đến các nhà xuất khẩu Việt Nam.
“Việt Nam và Thái Lan đang là 2 nhà cung ứng nông sản được các chuỗi bán lẻ quốc tế đặc biệt quan tâm”, TS Jochen Zoller - Sáng lập viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Tentamus - cho biết lý do lựa chọn Việt Nam để cung cấp hệ thống phần mềm thông báo các nội dung và quy định liên quan đến vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) từ các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Với việc triển khai hệ thống phần mềm về mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL) thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tránh được tình trạng mù mờ thông tin, giúp nông sản có thể đến được nhiều hơn những thị trường "khó tính". Đây cũng là giải pháp giúp các chuỗi bán lẻ trên thế giới có thể tìm được nguồn hàng an toàn tại một số thị trường nhiều tiềm năng, trong đó có Việt Nam.
Trong đó, Tentamus cung cấp hệ thống phần mềm giúp chuyển thông tin đến doanh nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả và có hệ thống. Văn phòng SPS Việt Nam chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin cập nhật về các biện pháp SPS của các quốc gia thành viên WTO, sau đó cập nhật lên hệ thống phần mềm.
Những doanh nghiệp đăng ký nhận thông tin này sẽ được hệ thống tự động chuyển tiếp. Những thông tin này cũng sẽ được cung cấp miễn phí cho người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu. Trước mắt, 7 nhóm sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu đi EU sẽ được Văn phòng SPS Việt Nam và Tentamus ưu tiên, gồm: gạo, hồ tiêu, hạt điều, chanh dây, mật ong, rau quả và thủy sản.
Để nâng cao giá trị cho nông sản Việt, giúp tăng thêm uy tín, góp phần xây dựng thương hiệu tại châu Âu, nhất là với các hệ thống bán lẻ, ông Jochen Zoller cho hay, Tentamus sẽ tích cực trao đổi với các đối tác bán lẻ ở châu Âu, trong đó, nhấn mạnh vấn đề Việt Nam đã có một đầu mối thông tin công khai, minh bạch, có hiệu quả về SPS.
Việc hợp tác với Tentamus, ông Lê Thanh Hòa nhận định, việc này sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều cơ hội hơn để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, bán lẻ tại châu Âu. "Muốn tiêu thụ tốt tại các chuỗi bán lẻ, sản phẩm xuất khẩu cần đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, bao bì, mẫu mã, bên cạnh tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm. Những thông tin của Tentamus, vì thế, sẽ rất hữu ích", ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh.