Ngoài phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn cũng được xem như một biểu tượng của văn hóa và du lịch của tỉnh Quảng Nam. Nơi đây luôn nhận được sự quan tâm và yêu mến của du khách trong và ngoài nước.
Từ khoảng thế kỷ thứ IV đến thế kỉ thứ XIII, người Chăm cổ đã tiếp nhận một nền văn hóa độc đáo chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Từ đó, nhiều ngôi đền đài được xây dựng ở miền trung Việt Nam để thờ các vị thần Hindu và là nơi cúng tế của vương triều Chăm Pa.
Trải qua những thăng trầm lịch sử và biến động vật chất, ngày nay, những ngôi đền đó chỉ còn là những phế tích song vẫn được coi là những công trình quan trọng, minh chứng cho 1 triều đại rực rỡ.
Những ngôi đền, tháp tại Mỹ Sơn được xây bằng gạch nung, với các cột đá và được trang trí phù điêu bằng đá sa thạch, thể hiện các cảnh trong thần thoại Hindu.
Cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu được kỹ năng nung gạch và gọi tên được chất kết dính mà người Chăm cổ dùng để xây nên những khối tháp không một mạch vữa mà trường tồn hàng ngàn năm giữa núi rừng khắc nghiệt.
Kể từ khi được phát hiện đến nay, Thánh địa Mỹ Sơn vẫn luôn là mảnh đất bí ẩn mà các nhà khoa học vẫn chưa tìm hết lời giải đáp. Thông qua kiến trúc độc đáo chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và thẩm mỹ cao, Thánh điện Mỹ Sơn là một mẫu hình đặc biệt, thể hiện tính giao lưu văn hóa, với một xã hội bản địa thích nghi với những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhất là về nghệ thuật và kiến trúc Hindu từ tiểu lục địa Ấn Độ.
Vương quốc Chăm là một hiện tượng quan trọng trong lịch sử chính trị và văn hóa của Đông Nam Á. Có thể nói, đây là một công trình này mang tính độc đáo và chắc chắn có một không hai về một nền văn minh đã lụi tàn./.