Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quản lý thuế với giao dịch liên kết

Vũ Xuân Kiên
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa cho biết, VCCI nhận được ý kiến phản ánh của nhiều doanh nghiệp về sự bất cập của quy định quản lý thuế đối với giao dịch liên kết tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
kinh-te-1706243760.jpg
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina (Quảng Ninh). (Ảnh: TRẦN HẢI)

Về vấn đề trên, VCCI đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định trên theo đúng trình tự thủ tục.

Theo đó, VCCI viện dẫn trường hợp của Công ty cổ phần Khang Nông đang bị cơ quan thuế coi giao dịch giữa các doanh nghiệp này với ngân hàng là giao dịch liên kết, từ đó loại trừ chi phí lãi vay vượt mức trần cho phép theo Điều 5.2.d và Điều 16.3.a của Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

Thực tế, trong năm 2022 và 2023, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường tăng mạnh khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp vượt mức giới hạn cho phép.

Trong bối cảnh đó, hai quy định trên tại Nghị định 132/NĐ-CP khiến các doanh nghiệp chịu khó khăn kép, vừa phải trả lãi nhiều hơn cho ngân hàng, nhưng không được khấu trừ thuế cho phần chi phí này.

Vấn đề này tác động mạnh đến các doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn trong các lĩnh vực như: hạ tầng, sản xuất, chế biến, chế tạo… Lãi suất của khoản vay này tương ứng với mức bình quân của thị trường, hai bên không có biểu hiện cố tình nâng chi phí lãi vay để giảm nghĩa vụ thuế phải nộp.

Bộ Tài chính cũng đã nhận thấy vấn đề này và có văn bản lấy ý kiến về việc sửa đổi Nghị định132/NĐ-CP theo hướng loại trừ quan hệ liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại Điều 5.2.d của Nghị định.

Tuy nhiên, quá trình sửa đổi Nghị định có thể sẽ kéo dài và không thể sớm có hiệu lực. Trong khi đó, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp đang bị thanh tra, kiểm tra thuế cho các năm tài chính 2022 và 2023.

Nếu không có biện pháp xử lý ngay có thể gây tác động rất tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự ổn định, nhất quán của môi trường đầu tư Việt Nam.

Do đó, VCCI kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định 132 theo đúng trình tự thủ tục, cần ngay lập tức ngưng hiệu lực Điều 5, khoản 2, điểm d của Nghị định 132/NĐ-CP, áp dụng cho các năm tài chính 2022 và 2023.