Nhìn nhận về các gói thầu "một mình một chợ":

Thực trạng và những vấn đề cần lưu ý

Hoàng Pháp
Tình trạng nhiều gói thầu chỉ có một nhà thầu tham dự vẫn đang tiếp diễn tại không ít địa phương. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tính cạnh tranh, mà còn đặt ra nhiều nghi vấn về hiệu quả sử dụng vốn.

Nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả thi hành pháp luật về đấu thầu, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động đấu thầu. Trong đó, đặc biệt lưu ý các gói thầu có dấu hiệu thiếu cạnh tranh như: ít nhà thầu tham dự, giá trúng thầu sát giá gói thầu, tỷ lệ tiết kiệm thấp, hoặc những gói thầu không đấu thầu qua mạng, có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, cũng như các gói thầu do một nhà thầu trúng liên tiếp trong thời gian dài nhưng không chứng minh được hiệu quả kinh tế tương xứng.

Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong đấu thầu bị phát hiện, gây chấn động dư luận và tổn thất cho ngân sách nhà nước. Những vụ việc liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An, hay các sai phạm trong mua sắm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở GD&ĐT Cần Thơ và Quảng Ninh... là những minh chứng rõ ràng cho hậu quả của việc buông lỏng quản lý và giám sát trong công tác lựa chọn nhà thầu.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu lớn vẫn đang diễn ra trong bối cảnh chỉ có một đơn vị tham dự, chủ yếu là các nhà thầu “quen mặt” với chủ đầu tư. Đây không phải là hiện tượng mới, nhưng vẫn phổ biến và lặp lại ở nhiều nơi, gây lo ngại về mức độ minh bạch cũng như hiệu quả đầu tư công.

Chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này không chỉ nằm ở phía chủ đầu tư mà còn đến từ chính các nhà thầu. Một số doanh nghiệp e ngại tham dự vì cho rằng cơ hội trúng thầu thấp, hoặc nếu trúng thì lợi nhuận không đảm bảo, thậm chí có thể thua lỗ. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng quy trình lựa chọn nhà thầu chưa thật sự tạo ra sân chơi công bằng, khiến các nhà thầu tiềm năng nản lòng.

Một trường hợp điển hình có thể kể đến là tại tỉnh Quảng Ninh, nơi Công ty TNHH Tâm Thành (Tâm Thành) được ghi nhận đã tham gia và trúng thầu nhiều gói thầu lớn trong lĩnh vực ngành than – lĩnh vực đặc thù liên quan đến các đơn vị kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng. Dữ liệu từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, Công ty TNHH Tâm Thành đã tham gia nhiều gói thầu do Tổng Công ty Đông Bắc (Đông Bắc) nay là Binh đoàn 19 và các chi nhánh tổ chức, với tổng giá trị trúng thầu lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Câu chuyện trên phản ánh rõ nét một thực trạng đang đặt ra thách thức lớn cho công tác đấu thầu hiện nay: tỷ lệ cạnh tranh giảm sút, trong khi các quy định hiện hành vẫn yêu cầu đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Việc một gói thầu chỉ có một nhà thầu tham gia không chỉ làm giảm hiệu ứng cạnh tranh, mà còn có thể dẫn đến việc giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công nếu giá trúng thầu không có sự đối trọng, so sánh thực chất.

tam-thanh-dong-bac-1746591000.jpg

Có thể lấy dẫn chứng trường hợp cụ thể tại Tâm Thành cho thực trạng này, khi phóng viên nghiên cứu một số gói thầu cụ thể trong giai đoạn 2020 – đến nay của Đông Bắc

Được biết, Công ty TNHH Tâm Thành, được thành lập ngày 10/01/2006, MST 5700577722 có trụ sở chính tại Số 8, Ngõ 547, Đường Lê Thanh Nghị, Phường Cẩm Thạch, Thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh; người đại diện pháp luật là ông Bùi Thế Dân, chức vụ giám đốc.

Kết quả phân tích dữ liệu của phần mềm đấu thầu cho thấy, Tâm Thành đã tham gia 10 gói thầu, trong đó trúng 10 gói, trượt 0 gói, 0 chưa có kết quả, 0 gói đã bị hủy. Với tổng giá trị các gói thầu đã trúng (bao gồm liên danh): 708.994.255.383 đồng. Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán: 98.1% (Chỉ tính dựa trên các gói có công bố giá dự toán hoặc giá gói thầu).

Đáng lưu ý, Tâm Thành chỉ trúng các gói thầu của đơn vị thuộc Đông Bắc.

Cụ thể, ngày 13/02/2025 theo Quyết định số KQ2400620054_2502131520 của Công ty Khai thác Khoáng sản về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng của gói thầu Thuê bốc xúc, vận chuyển đất đá mỏ Đông Đá Mài năm 2025, thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu Khoan lỗ mìn, bốc xúc vận chuyển đất đá mỏ Đông Đá Mài năm 2025, thuộc dự án/dự toán mua sắm Khoan lỗ mìn, bốc xúc vận chuyển đất đá mỏ Đông Đá Mài năm 2025. Đơn vị trúng thầu: Liên danh Công ty TNHH Tâm Thành – Công ty CP đưa đón thợ mỏ Đông Bắc với giá trúng thầu 220.388.344.128 đồng; giá dự toán gói thầu 226.033.371.720 VND, đạt tỷ lệ tiết kiệm khoảng 2,5%, chỉ có duy nhất 1 liên danh nhà thầu tham dự và nghiễm nhiên trúng thầu không có yếu tố cạnh tranh (?).

11-1746591000.jpg

Quyết định số KQ2400620054_2502131520.

Trước đó, vào cuối năm 2024, với cùng chủ đầu tư là Công ty Khai thác khoáng sản, tại Quyết định số 3280/QĐ-KK phê duyệt KQLCNT gói thầu: Thuê khoan, bốc xúc, vận chuyển, san gạt đất đá, bốc xúc vận chuyển than vỉa mỏ Tân Lập năm 2025; cho Liên danh Tâm Thành - 208 (Công ty Tâm Thành - Công ty cổ phần Đầu tư & Xây dựng 208). Liên danh đã trúng gói thầu với giá 190.785.768.976 đồng đã bao gồm thuế GTGT và các khoản thuế phí theo quy định (Bằng chữ: Một trăm chín mươi tỷ, bẩy trăm tám năm triệu, bẩy trăm sáu tám nghìn, chín trăm bẩy sáu đồng chẵn); giá dự doán của gói thầu là 193.650.638.808 đồng, tỷ lệ tiết kiệm thầu là 1,47%, chỉ có duy nhất 1 liên danh nhà thầu tham dự và nghiễm nhiên trúng thầu không có yếu tố cạnh tranh (?).

2-1746591000.jpg

Quyết định số 3280/QĐ-KKK.

Ngày 30/08/2024, tại quyết định số 1988/QĐ-KK, Tâm Thành tiếp tục trúng thêm một gói thầu Thuê bốc xúc vận chuyển san gạt đất đá; Bốc xúc vận chuyển than vỉa mỏ Tân Lập năm 2024 (Bổ sung). Giá trúng thầu ở mức 84.205.804.246 đồng (Tám mươi tư tỷ hai trăm linh năm triệu tám trăm linh bốn nghìn hai trăm bốn sáu đồng), giảm 1.283.386.200 đồng so với 85.489.190.446 đồng giá dự toán của gói thầu; chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham dự và nghiễm nhiên trúng thầu không có yếu tố cạnh tranh (?).

3-1746591001.jpg

Quyết định số 1988/QĐ-KK.

Đầu năm 2024, Liên danh Tâm thành - CTCP Đưa đón thợ mỏ Đông Bắc cũng đã trúng gói thầu Thuê bốc xúc vận chuyển san gạt đất đá; Bốc xúc vận chuyển than vỉa mỏ Tân Lập năm 2024. Trong thương vụ này, Liên danh nhà thầu đã trúng ở mức 158.033.109.941 đồng, đã bao gồm thuế VAT 10% (Bằng chữ: Một trăm năm tám tỷ, không trăm ba mươi ba triệu, một trăm lẻ chín nghìn, chín trăm bốn mốt đồng chẵn), giá dự doán của gói thầu là 161.259.585.647 đồng, chỉ có duy nhất 1 liên danh nhà thầu tham dự và nghiễm nhiên trúng thầu không có yếu tố cạnh tranh (?).

4-1746591000.jpg

Quyết định số 93/QĐ-KK.

Ngoài ra mối quan hệ “khăng khít” của Tâm Thành và Đông Bắc còn được ghi nhận nhiều lần “đơn thương độc mã” trúng thầu tại các dự án có giá trị trung bình nhưng diễn ra theo kịch bản tương tự: duy nhất một nhà thầu tham gia tại Công ty 35 làm chủ đầu tư.

Đơn cử, tại Quyết định số 1859/QĐ-35 do ông Đỗ Hoàng Hiệp – Giám đốc Công ty 35 đã ký phê duyệt KQLCNT gói thầu số 3: Bốc xúc, vận chuyển, chế biến, pha trộn than tại cảng Tâm Thành năm 2025, thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu và dự toán mua sắm: Thuê ngoài phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2025. Tâm Thành là đơn vị duy nhất tham gia dự thầu và trúng thầu với giá với giá 4.143.636.000 đồng, đã bao gồm thuế GTGT 8% (Bằng chữ: Bốn tỷ một trăm bốn mươi ba triệu sáu trăm ba mươi sáu nghìn đồng); giá dự doán của gói thầu là 4.300.604.000 đồng.

5-1746591173.jpg

Quyết định số 1859/QĐ-35.

Ngày 21/12/2023, ông Đỗ Hoàng Hiệp – Giám đốc Công ty 35 đã phê duyệt KQLCNT Gói thầu số 3: Bốc xúc, vận chuyển, nghiền, pha trộn than tại cảng Tâm Thành năm 2024, thuộc dự toán mua sắm: Thuê ngoài phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2024 cho Tâm Thành theo Quyết định số 1914/QĐ-35 với giá trúng thầu giá 5.910.537.600 đồng, đã bao gồm thuế GTGT 8% (Bằng chữ: Năm tỷ chín trăm mười triệu năm trăm ba mươi bảy nghìn sáu trăm đồng); giá dự doán của gói thầu là 6.129.222.000 đồng.

6-1746591001.jpg

Quyết định số 1914/QĐ-35.

Cả hai gói thầu đều có điểm chung là chỉ có Tâm Thành tham gia, và sau đó trở thành đơn vị trúng thầu mà không gặp bất kỳ sự cạnh tranh nào.

Không chỉ dừng lại ở đó, theo dữ liệu công khai, Tâm Thành đã tham gia và trúng toàn bộ 5 gói thầu do Công ty 35 mời thầu trong giai đoạn gần đây. Mối quan hệ liên tục và tần suất xuất hiện dày đặc này đang đặt ra những câu hỏi về tính cạnh tranh thực chất trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhất là khi các gói thầu đều thuộc cùng một đơn vị chủ đầu tư và có dấu hiệu thiếu vắng “đối thủ”. Nhiều gói thầu chỉ có một nhà thầu tham dự, điều này khiến tính cạnh tranh của các gói thầu sẽ thấp, hiệu quả công tác đấu thầu cũng cần được đánh giá xem xét.

Mặc dù được triển khai dưới nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu khác nhau, song kết quả tại một loạt gói thầu thuộc các đơn vị của Đông Bắc lại cho thấy dấu hiệu bất thường khi cái tên Tâm Thành liên tiếp được xướng tên trúng thầu. Sự xuất hiện dày đặc của nhà thầu “quen mặt” này làm dấy lên nghi vấn về khả năng có sự “liên kết” không minh bạch giữa chủ đầu tư và nhà thầu nhằm dàn xếp kết quả đấu thầu.

Đáng nói, những dấu hiệu trên chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” trong hàng loạt biểu hiện bất thường đã và đang tồn tại tại các gói thầu.

Trước thực trạng này, các chuyên gia về đấu thầu, các nhà quản lý đều cho rằng, cần phản ánh nhiều hơn những bên mời thầu và nhà thầu có quá trình gắn bó quá mật thiết lâu dài thông qua từng gói thầu cụ thể. Bởi điểm chung của những mối quan hệ này là giá trúng thầu rất sát giá gói thầu được phê duyệt; các nhà thầu lạ bị gây khó khăn khi tiếp cận HSMT và HSDT bị loại bởi nhiều lý do không phù hợp với quy định. Do đó, các thông tin về mối quan hệ khăng khít giữa bên mời thầu - nhà thầu trong đấu thầu cần được công khai nhiều hơn, phổ biến rộng rãi hơn để các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, giám sát. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong hoạt động đấu thầu./.

Nhóm PV