Theo đuổi tăng trưởng xanh, Việt Nam đang sở hữu những lợi thế gì?

Vũ Xuân Kiên

Việt Nam cũng sớm xác định tăng trưởng xanh là con đường phát triển bền vững và đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với quyết tâm chính trị cao nhất.

Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2022

30 tỷ USD cho tăng trưởng xanh

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến Việt nam sẽ cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30%, 70% còn lại từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu là khu vực tư nhân.

Do đó, làm sao để huy động và hội tụ được các nguồn lực cho tăng trưởng xanh của Việt Nam là câu hỏi rất cần thiết lúc này. Đây cũng là chủ đề được thảo luận tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2022 (Vietnam Connect) diễn ra mới đây tại TP. Hồ Chí Minh.

Với cam kết giảm phát thải khí nhà kính, các chuyên gia cho rằng sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư. Thực tế, trong khuôn khổ các hoạt động của COP26, các định chế tài chính đã ký cam kết rót nhiều tỷ USD cho các chương trình, dự án tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Theo ông Alan Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, tài chính xanh có ở khắp mọi nơi và thách thức là làm sao để dự án có tài trợ. "Giải quyết vấn đề này tôi nghĩ thứ nhất là góc độ chính sách và các nghị định; thứ hai là cơ chế hợp tác giữa các nhà đầu tư ngoại và doanh nghiệp trong nước: Một bên mang đến công nghệ, một bên mang đến cơ sở hạ tầng và sự hiểu biết tình hình địa phương", ông nói.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Tạ Đình Thi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu rõ, trong các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, những quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm ổn định vĩ mô.

Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất chất lượng cao; phát huy tối tiềm năng, lợi thế của đất nước. Cùng với đó, coi trọng bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; góp phần tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.

Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn này là đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 – 7%, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28-30%; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý hoàn toàn; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thi bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.

Theo vị đại biểu Quốc hội, để đạt các mục tiêu Quốc hội đề ra, yêu cầu về “Hội tụ nguồn lực” và chuyển đổi sang mô hình “Tăng trưởng xanh” trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là những giải pháp căn cơ lâu dài để tăng sức chống chịu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước.

Việt Nam cũng sớm xác định tăng trưởng xanh là con đường phát triển bền vững và đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với quyết tâm chính trị cao nhất.

Chính sách về “Tăng trưởng xanh” thể hiện rõ nét ở Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014.

Trong đó, “tăng trưởng xanh” được quan niệm là sự sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 26) và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ ban hành ngày 30/01/2022 cũng khẳng định quyết tâm phát triển một “nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững”.

Song hành để thực hiện các mục tiêu này là ba đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng, với trọng tâm là đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học – công nghệ.

Đây là cơ sở để Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc

Khó khăn song hành cùng lợi thế

Nhìn nhận về những khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng, có ba khó khăn chính mà Việt Nam đang phải đối mặt:

Thứ nhất, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Dù đã kiểm soát khá tốt đại dịch, nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, tác động của nó đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đời sống của người dân đang cần rất nhiều thời gian để khắc phục.

Thứ hai, những biến động hết sức to lớn và bất ổn trong nền kinh tế, kể cả tình hình chiến sự Nga – Ukraine. Tất cả đều có tác động nhất định đến bức tranh kinh tế vĩ mô của thế giới và của Việt Nam, làm cho quá trình phục hồi kinh tế mong manh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, buộc các nhà hoạch định chính sách và các địa phương không chỉ tính đến phát triển bền vững lâu dài, mà phải khắc phục những khó khăn, bất cập trước mắt đang đặt ra đối với doanh nghiệp, người dân và các địa phương.

Thứ ba, quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh chính là tăng trưởng bền vững. Dù là một xu hướng đúng của Đảng, Nhà nước ta, nhưng việc chuyển đổi này không hề dễ do năng lực, trình độ của chúng ta so với thế giới vẫn còn nhiều hạn chế.

"Nếu nhìn từ góc độ địa phương, không phải địa phương nào cũng sẵn sàng về hạ tầng chất lượng cao, công nghệ tiên tiến và cả về nguồn nhân lực có kỹ năng cao, để có thể tham gia ngay vào quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững. Đó là những khó khăn đang đặt ra đối với nền kinh tế, với các doanh nghiệp và với các địa phương", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. (Ảnh: Hoàng Hà)

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, vẫn có những lợi thế giúp Việt Nam có thể tăng trưởng xanh bền vững:

Một là, quyết tâm của Đảng, Nhà nước của Chính phủ trong việc đẩy nhanh chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, bền vững. Đây không chỉ là xu hướng chung của thế giới mà còn là nhu cầu bức thiết của Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, chúng ta tăng trưởng không phải bằng mọi giá, làm ảnh hưởng đến môi trường hay là làm cho bất bình đẳng xã hội gia tăng, mà chúng ta phải tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, tăng trưởng sáng tạo, tăng trưởng bao trùm.

Hai là, nhận thức về sự cần thiết phục hồi, tăng trưởng xanh bền vững của các địa phương, các doanh nghiệp và người dân đang gia tăng rất lớn trong thời gian qua.

Ba là, tăng trưởng xanh là một xu hướng lớn và rất phổ biến trên thế giới. Các đối tác nước ngoài, Chính phủ các nước họ cũng đang trong quá trình tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, sự hợp tác với nhau đều theo hướng xanh, bền vững, bao trùm.

"Nhiều nước không chấp nhận nhập khẩu những hàng hóa không được sản xuất theo quy trình thân thiện môi trường. Đồng thời, thực tế này cũng cho thấy xu hướng tăng trưởng xanh trên bình diện quốc gia, khu vực và toàn cầu đã, đang và sẽ tiếp tục mở ra nhiều lĩnh vực, hàng hóa và dịch vụ mới thân thiện với môi trường. Điều này mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác cho các địa phương, doanh nghiệp cùng với các đối tác bên ngoài nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác theo hướng bao trùm, bền vững", Thứ trưởng thông tin.

Vi Vi (theo Báo Thế giới & Việt Nam)